"Mỗi tác giả triết học đều có một mớ danh từ riêng biệt của mình. Muốn hiểu họ, phải nhận những định nghĩa, riêng của họ, về những danh từ ấy. Tôi cũng học đòi làm một triết gia nên nhái cái tác phong ấy. Và yêu cầu độc giả, khi suy nghĩ về tư tưởng đã tôi đã nhốt trong tập sách này, nên hiểu danh từ văn hóa theo định nghĩa của tôi. Định nghĩa này là một định nghĩa cầu nguyên, trở về nguồn gốc của chữ, để đến một cái "duy danh định nghĩa", tức là chỉ nhìn vào tên mà đạt đến cái ý. Văn, trong nghĩa cầu nguyên của nó, là đẹp đẽ, là hiền lành, trái với võ, là hung bạo. Hóa, trong nghĩa cầu nguyên của nó, là thay đổi. Hai chữ đó mà ghép lại, thì tôi cho rằng đó là cái gì làm cho người ngày càng cao quý, đẹp đẽ hơn, cho người (hạ tiện, xấu xa) hóa ra NGƯỜI (cao quí, đẹp đẽ). Vậy, tôi yêu cầu độc giả hiểu danh từ Văn hóa theo cái định nghĩa ấy.
Đến như nhan đề tên sách cũng là một điểm cần phải minh xác. Tương lai Văn hóa Việt Nam không phải là lời tiên tri của một lão thầy bói, sau khi xủ quẻ, lại nói về cái tương lai, cái sắp đến, của nền "văn hóa" - theo nghĩa thông thường của thế nhân - của người Việt Nam sẽ ra làm sao. Đọc xong cả tập, độc giả sẽ thấy cái lập luận của nó, là dân tộc ta không thể có một "tương lai quân sự" như Thành Cát Tư Hãn mà bá chiếm từ Á sang Âu; không thể có một "tương lai chính trị" như Anh Quốc, trong vài trăm năm làm bá chủ hoàn cầu; không thể có một "tương lai kinh tế" như Hoa Kỳ, làm phú nhân ông của cả thế giới. có một "tương lai" nào, họa hoằng là một tương lai về "Văn hóa" (theo nghĩa mới của nó). Không lập được cái tương lai này, thì khi thiên hạ nhứt gia, dân tộc Việt không ghi được công lao nào to lớn trong lịch sử loài người. Mà lập được cái tương lai này, thì công của dân tộc Việt sẽ lấn át tất cả công lặt vặt của các dân tộc khác. Không có gì hết, hay tất cả, đó là vấn đề mà lịch sử, khi bước tới ngưỡng cửa của ngươn Thanh Bình, đã đặt cho dân tộc ta."
Trích Tựa - Hồ Hữu Tường