Ngày mồng Ba Tết năm Bính Ngọ, trên làn sóng điện của Đài Phát Thanh Sài Gòn, có truyền một lời hịch để Mở Một Mặt Trận Văn Hóa.
Trên mặt trận văn hóa, cũng như trên bất cứ mặt trận nào, bên quân đông có thế hơn quân ít; binh số bằng nhau, bên binh có rèn luyện có thế hơn bên binh kém tập dượt; binh số và tập luyện bằng nhau, bên có tướng tá giỏi hơn có thế hơn bên có tướng tá dở; binh số, tập luyện, tướng tá hai bên bằng nhau, chủ soái bên nào hơn là tranh phần thắng về mình. Vì vậy mà trên mặt trận văn hóa, việc rèn cán chỉnh quân cũng hệ trọng như ở các mặt trận khác.
Và trên mặt trận văn hóa, Nghề Làm Báo có thể gọi là một Binh Chủng đặc biệt.
Người viết báo có thể phụ trách, hoặc trọn, hoặc một phần nhỏ, một trong những công việc sau đây:
1.- Thông tin, nhặt tin, viết tin.
2.- Phóng sự, điều tra, phỏng vấn.
3.- Chuyên luận (màn ảnh, kịch trường, văn chương kinh tế, chánh trị, xã hội, v.v.)
4.- Bình luận.
5.- Xã luận.
Bộ sách "Kỹ thuật căn bản của người viết báo" đầy đủ tất phải tụ đủ năm việc đã kể trên. Quyển 1 này là sơ bộ, giúp cho người muốn vào nghề có những ý thức căn bản về cách viết, cách nhặt tin, viết tin, phóng sự, điều tra và phỏng vấn. Có những căn bản này, có thể "nhập môn" được. Rồi nghề dạy nghề...
Tài liệu này viết vào năm 1950, để dạy học viên bằng lõi hàm thụ. Nó đưa những biện pháp phổ thông. Nhưng gặp hoàn cảnh đặc biệt, việc săn tin hóa ra công việc của "thám tử Kỳ Hiệp". Và nghề dạy nghề, một phóng viên lắm khi hóa thành giỏi mấy lần hơn một Sheerlock Holmès nữa. Một nhà viết báo giỏi lắm khi dự tri được lắm điều mà cả cơ quan tình báo của một cường quốc lại bất lực. Chúng tôi ước mong học viên không quá chấp cái biến mà xao lãng phần thường trụ.
Và chúc cho học viên thành tựu.
Trích Lời nói đầu
Hồ Hữu Tường