"Việt Nam cũng có tư tưởng ư?"
Đấy là một câu hỏi ngớ-ngẩn trong giới đại trí thức, có kẻ đã đặt ra cho tác giả tập sách này vậy!
Người ngoại quốc, nhất là Âu-Tây, thông thường cho Việt Nam tự nó không có một tư tưởng nào, chỉ nhai lại tư tưởng Khổng, Lão của Trung hoa hay Phật của Ấn Độ.
Nói thế chẳng khác gì bảo rằng Âu-Tây chẳng có tư tưởng gì của mình cả, tư tưởng khoa học lấy ở Hy-Lạp, tôn giáo Thiên Chúa mượn ở Á-Châu vậy.
Vả lại chính trong giới trí thức Âu Tây đã có người phàn nàn cái bệnh phổ thông của trí thức đời nay về "cái ảo tưởng chung của thời đại chúng ta, cho một người có thể tự tin mình phát minh hay chủ nhân của một hình thức tư tưởng được. Chúng ta đều biết rõ rằng tất cả tư tưởng của người ta hoạt động trong cái vòng nhỏ hẹp và luân phiên nhau, chúng xuất hiện và biến đi nhưng chúng vẫn ở tại đây. Và những tư tưởng nào đối với chúng ta có vẻ mới mẻ nhất thì thường lại là những tư tưởng cổ xưa nhất: số là đã từ lâu thế giới không được thấy..."
Ý kiến trên đây càng chính xác đối với khu vực tư tưởng truyền thống Á-châu, tư tưởng thuộc về loại "triết lý vĩnh cửu" (Perennis Philosophia) như Aldous Huxley đã mệnh danh, nó không tin có sự sáng tạo trong vũ trụ - hay ngoài vũ trụ - mà chỉ có sự biểu hiện các hình thức của một Chân lý. Một hình thức mới là chừng nào nó thích ứng với điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Và chúng ta nhận cái hình thức ấy là của chúng ta vì nó trả lời đầy đủ hơn cho nguyện vọng sống còn, cùng lý tưởng ấp ủ. Cái ý tưởng "sát thân thành nhân" có thể nói là do Khổng Tử quan niệm ở Trung quốc từ hơn hai ngàn năm về trước, nhưng chứng minh cái ý tưởng ấy làm cho nó sống cụ thể linh động để rung động thức tỉnh dân tộc về đạo lý sống như thế nào có ý nghĩa, như Phan Thanh Giản đã thể hiện trong hoàn cảnh lịch sử, địa lý đặc biệt Việt Nam, cái hình thức thể hiện ấy là của Việt Nam.
[...]
Trích Tựa của tác giả