Nhà triết học Anh-Cát-Lợi có tiếng ở thế-giới ngày này là BERTRAND-RUSELL, trong một bài báo nhan-đề "TRIẾT-HỌC VỚI NGƯỜI KHÔNG CHUYÊN-MÔN" đưa ra một định-nghĩa phổ-thông rộng-rãi như sau:
"Triết học kể từ lúc khởi-thủy đã gồm có hai mục-tiêu khác nhau mà người ta coi như mật thiết quan-hệ với nhau. Một đàng nó nhằm mục-đích giải thích sự cấu-tạo của thế-giới. Một mặt khác nó cố khám-phá và giáo-hóa đường lối sinh-hoạt hoàn-toàn hơn cho nhân-loại. Kể từ HÉRACLITE cho tới HÉGEL và cả đến MÃ-KHẮC-TƯ, không bao giờ triết học đã nhãng quên được hai mục-tiêu ấy. Không bao giờ nó hoàn-toàn chỉ là lý thuyết, hay hoàn-toàn là thực hành, mà luôn luôn nó tìm lý-thuyết, tìm một quan-niệm có hệ-thống về vũ-trụ có thể ứng dụng làm cơ-sở cho một nền luân-lý thực-hành."
Theo định-nghĩa trên đây thì Triết-học phải dựa vào thái-độ của nhân-loại hay dân-tộc đối với vũ-trụ nhân-sinh mỗi ngày một thêm hoàn-thiện, hoàn-mỹ. Thái-độ là cả một tâm-trạng sinh-hoạt trong hoàn-cảnh thực-tế về tri-thức, tình-cảm và ý-chí, cho nên triết-học không đi theo sát với thái-độ của nhân-loại hay dân-tộc, chỉ đem lý trí giải-thích một cách khách-quan, thì triết-học trở nên khô-khan vô-vị, không còn linh-động để cảm-hóa nhân-loại nữa vậy.
Trích Thay lời tựa
Bộ LỊCH SỬ TRIẾT HỌC ĐÔNG PHƯƠNG gồm 5 quyển:
Quyển I: Lịch sử Triết học Trung Hoa - Thời-kỳ khởi-điểm của Triết-học (Thời-đại Tây-Chu và Đông-Chu) xuất bản năm 1961.
Quyển II: Lịch sử Triết học Trung Hoa - Thời kỳ hoàn-thành của Triết-học (Từ Chiến-Quốc đến Tiểu-Hán) xuất bản năm 1963.
Quyển III: Lịch sử Triết học Ấn Độ - Từ Vệ-đà đến Phật Nguyên-thủy.
Quyển IV: Lịch sử Triết học Đông phương từ năm 241 trước Kỷ-nguyên đến 907 sau Kỷ-nguyên, xuất bản năm 1962.
Quyển V: Lịch sử Triết học Trung-Hoa cận-đại, xuất bản năm 1964.