Chiều hôm bảng lảng, buổi sớm bình minh, vẳng nghe tiếng chùa thong thả âm thầm, mỗi tiếng vang lên trời dư âm chìm vào không trung gần tắt mới lại nối tiếp. Đang lúc trong lòng rồn rập phản chiếu xã hội tấp nập đua tranh, thực những tiếng chuông chùa đã như gieo vào lòng hạt lệ từ bi của Đức Phật thương hại chúng sinh đắm chìm trong bể khổ, lăn lộn đám bụi trần; và mỗi tiếng chuông hình như những tiếng gọi tự nơi tỉnh thổ xa xăm vọng lại vậy. Đồng thời tiếng mõ rồn rập đổ mau nghe như có sự cố dồn nén những tiếng ồn ào của bụng dục làm cho tôi bất giác phải lẩm bẩm câu thơ tâm linh của Ấn Độ:
Lặng đi! những kêu gào của xác thịt khó khăn.
Nguôi đi! tiếng ồn ào của lòng kiêu hãnh.
Đứt tung ra, những xiềng xích buộc thân.
Cởi mở ra, những ràng buộc trói mình.
Ôi! hệ lụy, ôi! ảo hóa sạch sanh
Chính nơi đây văng vẳng âm thanh
Âm thanh thuần nhất, duy tinh!
Ấy là chân lý gọi mình xa xa!
Giở lại mấy trang sử cũ, ngày nay người ta chỉ biết nhắc nhở đến những chiến công oanh liệt của Đức Thánh Trần, hay ca tụng cử chỉ "châu chấu đá xe" của Lý Thường Kiệt, ít ai đã tự hỏi vì đâu mà có những trang sử vẻ vang đời Lý đời Trần. Hẳn rằng không ai chối cãi những bậc vĩ nhân ấy nếu không có tinh thần đoàn kết của cả một dân tộc, quân dân nhất trí đồng lòng, thì liệu có thể thành công được chăng? Một anh hùng lưu danh thiên cổ đã đại diện cho biết bao nhiêu anh hùng vô danh mà đời sau không biết. Lại cái tinh thần quân dân như một người kia đã lấy ở đâu cái khí phách quật cường, cái đức tính hy sinh hoà thuận? Đấy là quyền sống bắt buộc chăng? Nhưng làm thế nào cho quyền sống riêng, tự có thể nhượng bộ cho quyền sống chung; ấy là bí quyết, và cái bí quyết ấy không thể đừng nghĩ đến tinh thần Phật Giáo lấy sắc không làm tôn chỉ đã hưng thịnh khắp từng lớp xã hội Việt Nam ở thời đại nhà Lý nhà Trần. Phật Giáo ở xứ này, quả như lời ông Phạm Quỳnh đã viết: "Đã có những cỗi rễ sâu xa. Nhưng được coi như Quốc Giáo thì ở các triều đại lớn Lý và Trần, thế kỷ 11-16, nó mới thực thịnh vượng. Các nhà vua đều là tín đồ nhiệt thành của Phật Giáo, những già lam thì đầy những sư và tiểu. Thực là một thời đại hoàng kim của Phật Giáo ở Việt Nam."
Trích Chương I: Tinh thần Phật giáo Việt Nam
Nguyễn Đăng Thục