Về tập sách này (và các tập kế tiếp trong bộ Văn học miền Nam), xin có mấy điều giãi bày:
1- Thỉnh thoảng độc giả gặp một tác giả ở tập sách nói về thơ, rồi lại gặp tác giả ấy ở tập nói về truyện hay về kịch v.v. Vậy tác giả ấy là nhà thơ hay nhà văn? là tiểu thuyết gia hay kịch tác gia?
Chúng tôi không chú trọng đến phân biệt ấy, vì căn cứ sự nhận xét trên từng bộ môn chứ không phải trên từng tác giả. Tập này dành cho thi ca không phải cho thi gia, tập sau dành cho tiểu thuyết chứ không phải cho tiểu thuyết gia… Trong thời kì 1954-75 rất nhiều tác giả viết về nhiều thể loại khác nhau. Hễ sáng tác có giá trị ở bộ môn nào, tưởng nên được nêu ra ở bộ môn ấy. Một người nổi tiếng nhờ viết truyện về sau lại làm thơ hay, nếu nệ vào danh nghĩa tiểu thuyết gia mà không nói đến thơ e không hợp lý.
Vả lại nhân, với gia, với sĩ mà chi? Thi nhân, thi gia, thi sĩ chẳng hạn cùng gợi ra cái ý niệm hoạt động chuyên biệt thành nghiệp dĩ tương đối lâu dài. Muốn nộp đơn xin vào một chân hội viên của hội Văn bút cũng phải có một tác phẩm được xuất bản làm thành tích tối thiểu, huống hồ muốn được người đời công nhận là thi nhân là tiểu thuyết gia. Vậy xin được tùy tiện: gặp một đôi bài hay cũng cứ nói, bất luận danh nghĩa là gì, ra làm sao.
2- Hồi tiền chiến, trong cuốn Thi nhân Việt nam, Hoài Thanh và Hoài Chân sau mỗi nhận xét về một tác giả đều có phần trích dẫn tác phẩm; trong bộ Nhà văn hiện đại, Vũ ngọc Phan chi phê bình nhận xét các tác giả và tác phẩm thôi, không có phần trích tuyển. Tùy trường hợp, việc làm của các vị ấy đều có lý do chính đáng. Trong trường hợp bộ Văn học Miền Nam này, chúng ta gặp hoàn cảnh khác.
Sách này viết về một nền văn học bị cấm đoán hủy diệt trong nước, và viết nhằm dành cho độc giả lưu vong ở hải ngoại. Trong nước cũng như ngoài nước lúc này tác phẩm văn nghệ thời 54-75 không tìm được dễ dàng. Đọc sách chỉ thấy rặt những luận với bàn những phê với phán mà không có tài liệu để đối chiếu xem phải quấy ra sao, thấy khen muốn thử thưởng thức thì không sẵn, đọc sách như thế e mất cả thích thú. Vì vậy, ở đây không phân biệt thể loại nào, bất cứ là thơ hay văn, là truyện hay ký, sau phần nhận xét của mỗi tác giả, đều xin có chút ít trích tuyển.
Đối với các tác giả, kẻ trong nước người ngoài nước, rất nhiều vị tôi không liên lạc được để xin phép trích dẫn, tôi chân thành mong được lượng thứ, và trân trọng cảm tạ quý vị.
3- Các bài nhận xét sau đây không nhất trí như nhau trong cách viết. Dĩ nhiên phần lớn là bài viết cho sách này, nhưng ngoài ra lại có những bài hoặc nguyên là cái tựa cho một tác phẩm, hoặc nguyên là một bài điểm sách đã đăng báo từ lâu, hoặc nguyên là tạp bút ghi nhận cảm nghĩ về một tác giả nhân dịp nào đó, hoặc là một đoạn cắt ra từ bài nói chuyện về văn chương v.v.
Sở dĩ có chuyện như thế là vì chút quan niệm riêng. Chúng tôi vẫn cho rằng nhận định về một tác giả là nhận định về một tâm hồn, chứ không phải về một kỹ thuật, một chủ đề, một tư tưởng. Phân tích cái khéo cái vụng cái hay cái dở của một bài thơ một cuốn truyện cũng là việc tài tình; nhưng tôi chỉ muốn chú trọng đến phong cách, đến tâm hồn của tác giả. Cái đó nó là một, qua mọi tác phẩm. Trong một câu thơ, một bài thơ: có nó; mà trong hàng chục thi tập cũng là nó thôi. Chỉ lo không nhận diện ra nó rồi-dưới hình thức nào đó-thì bây giờ hà tất nói đi nói lại nữa làm chi. Trừ khi mình thay đổi ý kiến hay tác giả nọ thay đổi đường hướng.
4- Lẽ ra, như đã định, có một cuốn dành cho bộ môn thơ, hai cuốn dành cho bộ môn truyện, và một cuốn cho bút, ký, kịch. Tuy nhiên trong lúc biên soạn gặp lắm khó khăn: không phải muốn viết về bộ môn nào trước thì viết, muốn viết về tác giả nào trước thì viết. Tài liệu đâu sẵn? Bởi vậy hễ ngẫu nhiên có cơ hội viết về cái gì thì cứ viết ngay, không thể chờ đợi, không thể theo đúng thứ tự đã định. Viết đến đâu, xin cho in ra đến đấy thành từng tập nhỏ. Sau này, khi đã tạm đủ, sẽ xin hợp lại thành từng cuốn lớn. Do đó, viết trước hay viết sau, cái đó không căn cứ trên chọn lựa nào, trên thứ tự ưu tiên nào.
Viết ngắn viết dài cũng thế. Không phải hễ thích nhiều thì viết bài dài, thích ít thì viết bài ngắn: cứ lấy cây thước ra đo bài khắc biết mức độ hâm mộ. Làm gì có sự máy móc như thế bao giờ! Chẳng qua tùy trường hợp: Đề tựa một tập thơ mỏng lẽ nào lại dám dài lòng thòng lượt thượt? Tờ báo mỗi kỳ điểm dăm mười cuốn sách, mỗi bài điểm cũng không được phép tràng giang đại hải. Trái lại nếu là bài tạp bút, bài thuyết trình thì có thể tùy tiện thư thả. Ngoài ra cũng có khi kẻ viết trúng “tủ”, gặp đề tài hợp ý bèn bốc lên ba hoa; và ở đời thiếu gì trường hợp đọc xong một bài thơ một cuốn sách chỉ biết nghệch người ra, vỗ đùi kêu “Hay!Hay tuyệt!” mà không biết nói gì hơn.
Thành thử trước hay sau, ngắn hay dài, trích tuyển nhiều hay ít, không nhất thiết phản ánh một sự đánh giá nào, xin chớ quan tâm.
5-Đây không phải là cuốn sách đã hoàn tất, mà là một bộ sách đang được tiến hành biên soạn. Tác giả nào chưa có mặt trong tập trước, sẽ xin cố tìm tài liệu để nói đến trong tập sau. Sở dĩ sách ấn hành không chờ hoàn tất là vì từ ngày cuốn Tổng quan ra đời đến nay đã ngót năm năm, không thể trì hoãn mãi mà không mang tội lỗi hẹn với độc giả. Và trì hoãn đến bao giờ mới có điều kiện gọi là thỏa mãn?
Vả lại kẻ viết không từng chuyên phê bình khảo luận thì dẫu cho có đủ tài liệu cũng không mong làm nên công trình giá trị. Đây bất quá chỉ là một số cảm nghĩ của một người sáng tác trong khi thưởng thức những người sáng tác khác mà thôi. Chi bằng xong đến đâu cứ cho ấn hành đến đó, phòng khi lỡ xảy ra điều bất trắc khỏi uổng phí công phu. Ấn hành như một bản nháp, một gợi ý, một sơ thảo, phác thảo. Rồi đây nếu có dịp thuận tiện sẽ xin bổ túc, chỉnh đốn. Còn giả sử người viết không có cơ hội làm công việc bổ chính ấy thì mai sau-hoàn cảnh đổi thay-thiếu gì kẻ khác sẽ làm cho?
6- Tiểu sử các tác giả được nói đến trong các tập này, xin xem lại ở cuốn Tổng quan của bộ Văn học Miền Nam. Nếu thỉnh thoảng có những tác giả không tìm thấy tiểu sử, ấy là vì chúng tôi chưa tìm ra tài liệu. Trong trường hợp ấy nếu có vị độc giả nào vui lòng giúp đỡ chúng tôi vô cùng biết ơn.
7- Sách được ra đời phần lớn là do sự tiếp tay của quí ông Trần huy Bích, Trúc Chi, Võ Đình, Đỗ văn Gia, trong việc sưu tầm tài liệu, và nhà xuất bản Văn nghệ đã tận tâm xoay trở trong lúc khó khăn. Nhân dịp này tôi xin chân thành cảm tạ.
Trích Lời nói đầu
V.P
09-1991