GỌI NGAY0932 604 409
Giỏ hàng 0
Đất nước quê hương
-0%
  • Đất nước quê hương

Đất nước quê hương

Còn hàng
150.000đ

Khuyến mãi & ưu đãi tại muasachhay.vn

  • Miễn phí giao hàng cho đơn từ 199k ở HCM và 400k ở các tỉnh
  • Tư vấn chọn lựa sách theo nhu cầu của quý đọc giả qua điện thoại/zalo
  • Giao sách nhanh trong vòng 24H
  • Số lượng:
Mời mua sách
Đặt sách nhanh vui lòng gọi: 0932.604.409(Zalo)
Thời gian phục vụ: 24/7
  • Tác giả: Võ Phiến
  • Ngày xuất bản: 1973
  • Nhà xuất bản: Lửa Thiêng
  • Kích thước: 13,2 x 19,5 cm
  • Hình thức bìa: Bìa mềm
  • Số trang: 280

Thông tin sản phẩm

Tùy bút - tùy hứng mà phóng bút - là một thể rất tự do, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy. Một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tà áo phất phơ dưới gió, một tiếng ve rỉ rả trong rừng... bất kì một cảnh vật nào, một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài một thiên tùy bút. Nó tựa như nhật ký mà không phải là nhật ký, vì nó là "bút" chứ không phải là "ký"; nó tựa như nghị luận mà không phải là nghị luận, vì nó là tùy hứng suy đoán chứ không phải dụng ý biện luận.

Nó phóng túng như vậy nên ta tưởng là dễ, nhưng có viết thử mới thấy khó. Trước hết, nó phải thân mật, hấp dẫn như một câu chuyện thanh nhã giữa những bạn đồng điệu lúc ngồi bên một giàn hoa hay một ấm trà. Nó không cần dài - trung bình mươi trang trở lại - nhưng lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải thay đổi, có ý vị.

Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật. Tiểu thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là tiểu thuyết, thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ - thơ Con Cóc; còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để gọi vì lẽ không ai thèm nhắc tới, biết tới. Cho nên lựa thể tùy bút là làm một công việc mạo hiểm: chỉ có thành công hay thất bại; chứ không thể nhì nhằng được.

Ai cũng biết tài viết tiểu thuyết của Võ Phiến, nhưng theo tôi, tùy bút mới là thể dung nạp hết sở trường của ông, mới thật là đất cho ông dụng... văn.

Trong tập "Đất nước quê hương" này, chúng ta gặp lại tài nhận xét tinh vi, miêu tả sắc bén của ông trong tiểu thuyết. Mấy trang ông tả cách nấu, rót và uống chè Huế làm ta liên tưởng đến Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân: nghệ thuật không kém mà lại dí dỏm hơn, nhẹ nhàng hơn, có hương vị của quê hương hơn. Nhưng đoạn ông tả một chủ quán ăn bình dân ở Cần Thơ, đọc mới thấy mê. Ông nghe được một tiếng "rồi" câm thừa thãi, như để múa men, biểu diễn sự thích thú sau mỗi cử động của chủ quán, thì tôi phục ông quá.

Rồi những đoạn nên thơ về một đô thị hoang sơ, Gia Nghĩa: những "đàn én rộn ràng quấn quít trên nóc chợ", những tiến ve "rỉ rả thâm trầm như vừa kêu vừa suy ngẫm... bắt đầu phát ra riu rỉu, vươn dần lên; đến một lúc, tự thấy sắp trở nên ồn ào, nó giật mình tự hãm lại".

Tiểu thuyết, dù sao vẫn còn hơi gò bó, không thể dễ dàng chuyện nọ bắt qua chuyện kia được, cho nên chỉ trong tùy bút chúng ta mới được hưởng cái ngạc nhiên nghe Võ Phiến đương khen chiếc áo dài nhụ nữ ngày nay thì quay về chuyện Lê Quý Đôn bút đàm với sứ giả Triều Tiên ở Yên Kinh hai thế kỷ trước; hoặc đương nói về thuật đánh một lần mười hai cái trống ở Bình Định thì chuyển qua cách ăn bánh tráng. Giọng ông dí dỏm mà tình tứ: "Nếu quả Bình Định mất đi một điệu trống, phải đền lại một cái gì chứ? Chiếc bánh tráng nhé?"

Cũng chỉ trong tùy bút, ông mới thỏa chí phóng ngọn bút mỉa mai nhẹ nhàng mà thấm thía của ông được: ông kể lịch trình Nam tiến và Tây tiến của chiếc áo dài phụ nữ, rồi kết: "Thế cho nên chúng ta tin mạnh ở sự thành công cuộc thống nhất đất nước bằng chiếc áo dài. Nó êm thấm, đẹp đẽ hơn những đường lối thống nhất bạo tàn biết bao!; và làm sao chúng ta không mỉm cười khi ông bảo ở miễu bà Chúa Xứ (Châu Đốc) lễ bái đã được "hiện đại hóa"; không đau xót khi thấy ở một miền nọ - từ Cai Lậy tới Mộc Hóa - cờ nhiều hơn nhà, người đâu là có cờ đấy.

Sau cùng, cũng chỉ trong tùy bút ông mới có thể thỉnh thoảng đưa ra những suy đoán mà ông tự nhận trước là "vu vơ, liều lĩnh". Kể ra đôi khi ông cũng hơi "phiêu lưu" thật - thể tùy bút cho phép chúng ta như vậy - nhưng nhiều chỗ phải nhận rằng ông sâu sắc, như khi ông phân tích tâm lý nhà Nguyễn thiên vị với người Nam, cả với cây cỏ trong Nam hoặc khi ông bảo cuộc Nam tiến từ Bình Định vô Phú Yên, Khánh Hòa là "nhì nhằng" cho nên mới có ái tình Bình Phú (Bình Định-Phú Yên) trong ca dao. Nhiều suy diễn của ông về thơ, về ngôn ngữ, về cách đặt tên của người Thượng cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Ông quả có óc tò mò, đọc nhiều và đi nhiều.

Năm 1969, vì ký tên trong một bản kiến nghị rất ôn hòa đòi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản, ông bị giải nhiệm. Về sau, các diễn biến của sự việc đã đưa ông đến một chức vụ khiến ông có dịp đi đây đi đó khắp trong nước. Nhờ vậy, ông ghi lại những cảm tưởng khi ở Bạc Liêu, Mộc Hóa khi ở Ban Mê Thuột, Bình Định... mà viết nên tập tùy bút này, phong phú hơn ba tập trước của ông nhiều. Vậy trong cái rủi vẫn thường có cái may. Và khi một nhà văn biết lợi dụng nghịch cảnh thì chẳng những có ích cho mình, mà còn có ích cho độc giả, cho văn hóa nữa. Đó cũng là một đề tài lý thú để ông viết tùy bút nữa đấy, ông Võ Phiến.

Sài gòn, ngày 25-3-73

Nguyễn Hiến Lê

Sản phẩm đã thêm vào giỏ
Đất nước quê hương
HƠN 21.000 TỰA SÁCH HAYTuyển chọn bởi sachtinhtuyen.com
MIỄN PHÍ GIAO HÀNGTừ 200k ở HCM và 300k ở tỉnh khác
QUÀ TẶNG MIỄN PHÍTặng bookmark, bao sách miên phí
ĐỔI TRẢ NHANH CHÓNGHàng bị lỗi được đổi trả nhanh chóng
zalo-img.png