Phương Đông và phương Tây cùng trải qua những giai đoạn phát triển xã hội trong vòng 15.000 năm qua theo cùng một trình tự […] nhưng họ không phát triển như nhau trong cùng thời điểm hay với cùng tốc độ. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt Đông-Tây? Tại sao phương Tây vượt trội? Phương Tây sẽ còn thống lĩnh thế giới trong bao lâu, theo những cách thức nào? Và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Cuốn sách này sẽ trả lời câu hỏi đó.
Phương Tây không thống trị thế giới từ 500 năm trước như nhiều người nhầm tưởng. Phương Tây chỉ chi phối thế giới trong khoảng 200 năm nay – kể từ đêm trước của cuộc Chiến tranh Nha phiến (1842). Tại thời điểm ấy sản phẩm của các nhà sản xuất người Anh tràn ngập toàn cầu, tràn ngập Trung Hoa; những con tàu vỏ sắt của họ chiếm lĩnh khắp các mặt biển và đủ sức đánh tan bất kì hạm đội nào trên thế giới; các đoàn thám hiểm của họ tung hoành khắp nơi trên hoàn cầu.
Bối cảnh ấy có thể ngược lại nếu Trung Hoa thời Minh nhiều thế kỉ trước đã diễn ra theo kịch bản khác, khi nỗ lực vươn ra thế giới của phái đoàn Trịnh Hoà không bị dừng lại và đạt được thành tựu tương tự như hạm đội kiếm tìm Ấn Độ của Columbus: rất có thể nữ hoàng Victoria của nước Anh chứ không phải hoàng đế Đạo Quang nhà Thanh phải nhục nhã kí hiệp ước cầu hoà, khi hạm đội Trung Quốc chứ không phải hạm đội Anh Cát Lợi tung hoành trên khắp các đại dương. Tình thế ấy đến lúc này dường như lại hiển nhiên ở một chiều ngược lại, khi hàng hoá của Trung Hoa đang tràn ngập thế giới, tràn ngập phương Tây; hạm đội Trung Quốc đã thành hạm đội lớn nhất thế giới; người Hoa đã hiện diện khắp nơi trên hoàn cầu.
Ian Morris bác bỏ thuyết phương Tây luôn thống trị trong lịch sử. Ông tin rằng, lịch sử có quy luật và có tính dự báo, và những hình mẫu lịch sử có thể dự báo tương lai. Những nội dung trên mà ông phát biểu trong cuốn sách của mình, và ngay từ tên sách (Why the West Rules – for Now) đã gợi lên các câu hỏi quan trọng: Tại sao phương Tây lại tạm thời vươn lên trước phương Đông cho đến thời điểm này? Tại sao phương Tây lại phát triển hơn bất kì khu vực nào khác trên thế giới, tại sao sự phát triển của phương Tây lại gia tăng quá nhanh trong 200 năm qua đến mức lần đầu tiên trong lịch sử có một số quốc gia đã thống trị toàn bộ hành tinh này (trước đó chỉ có các đế chế tầm khu vực mà thôi)?
Tác giả bắt đầu với việc khám phá các mô hình khái quát, “hình dạng tổng thể của lịch sử”, bằng cách xem xét chọn lọc quá trình phát triển lâu dài của thế giới. Lật lại lịch sử loài người 15.000 năm qua, ông đã cho thấy làm thế nào cả phương Đông và phương Tây, vào những thời điểm khác nhau và bằng nhiều cách khác nhau, đã chuyển hóa lên những tầm phát triển mới. Thách thức hơn, với tư cách một nhà sử học, GS. Ian Morris đã giải thích được ý nghĩa của tất cả những thăng trầm đó, và đánh giá xem liệu bên nào vốn có sẵn tính ưu việt.
Orville Schell – Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ – Trung ở Hội Châu Á đã chia sẻ về cuốn sách trong bài viết: “Cuộc xung đột cuối cùng” đăng trên New York Times rằng: “Đây là một “cuốn sách lớn”, rất lớn nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng là hiểu thấu quá trình phát triển trong quá khứ của nhân loại và đưa ra dự báo về tương lai của cuộc đua song mã đang tiếp diễn giữa 2 trục Đông – Tây, Ian Morris bắt đầu với mốc thời gian từ khoảng 15 nghìn năm trước. Đó là một lượng lịch sử đồ sộ.”
“Một tác phẩm thú vị và khả tín… thể hiện những tranh luận về sự trỗi dậy của Trung Hoa và sự sụp đổ của phương Tây rốt cuộc chỉ là hoạt động thứ yếu như thế nào khi tự nhiên phản ứng dữ dội với xã hội loài người.” – The Economist
"Tác phẩm phi hư cấu lớn nhất trong thời gian gần đây…Trông khi cuốn sách kinh điển Súng, Vi trùng và Thép của Jared Diamond đầy tham vọng táo bạo, hấp dẫn rộng khắp về sự uyên bác, mạnh mẽ trong xử lý, gây kích thích trong việc giải thích kiệm lời, thì Morris lại…vượt ngoài tác phẩm của Diamond." - The Business Standard
"Đây là cuốn sách mới nhất về một lý thuyết hợp nhất lịch sử mà chúng ta có được. Với sự tinh tế và uyên bác, Ian Morris đã khai triển những kỹ thuật và hiểu biết sâu sắc về lịch sử cổ đại theo cách nhìn mới để giải đáp câu hỏi lớn nhất trong lịch sử: Tại sao phương Tây đánh bại phần còn lại của thế giới? Tôi yêu thích cuốn sách này." - Nial Ferhguson, tác giả “Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới”
"Một đóng góp đầy kích thích và hấp dẫn cho lịch sử đối chiếu toàn cảnh… Cuốn sách này là một bữa tiệc thịnh soạn về ý tưởng… Morris đã thành công khi tạo ra một thành quả kỳ diệu về tri thức." - The Independent (London)