Am Mây Ngủ
Năm 1306, Huyền Trân công chúa (con gái vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông) được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý, mở rộng bờ cõi nước Việt. Một năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được Anh Tông hoàng đế sai Trần Khắc Chung cướp về, và xuất gia làm ni sư. Câu chuyện về công chúa được truyền tụng trong dân gian, khiến công chúa trở thành một trong những công chúa nổi tiếng nhất và ảnh hưởng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Am mây ngủ của thiền sư Thích Nhất Hạnh là câu chuyện về công chúa Huyền Trân. Nhưng ở đây hình ảnh công chúa không thể tách rời ra khỏi hình ảnh của người tăng sĩ áo vải sống tên am Ngoạ Vân núi Yên Tử. Người ấy là Trúc Lâm Đại sĩ, tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Trước khi trở thành Thiền sư, Ngài từng là vua Đại Việt - vua Trần Nhân Tông - người đã hai lần đẩy lui cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông.
Trong Am Mây Ngủ, tác giả đã lấy lòng của một Thiền sư để hiểu lòng một vị Thiền sư. Đó là nét cảm động nhất trong tác phẩm.