Lời giới thiệu của Thiền sư Thích Thanh Từ
Đã từ năm mươi năm nay, Phật tử Việt Nam, nhất là giới xuất gia, chờ đợi một cuốn Nhật Tụng Thiền Môn bằng Quốc Ngữ. Trong quá trình thực tập và hoằng pháp, tôi cũng đã từng nhiều lần cảm thấy nhu yếu cấp thiết này. Nay sách Nhật Tụng Thiền Môn của Đạo Tràng Mai Thôn được ấn hành, tôi hết sức vui mừng và xin trân trọng giới thiệu với các giới hành giả khắp nơi trong toàn quốc.
Sách "Nhật Tụng Thiền Môn" mà quý vị đang nâng trên tay quả là một pháp bảo, quý giá vô cùng. Các vị giáo thọ của Đạo Tràng Mai Thôn đã để ra mười lăm năm để soạn tập, phiên dịch và xây dựng lên nó. Văn dịch sáng sủa và đẹp đẽ, diễn đạt được ý kinh một cách rõ ràng và tự nhiên, rất dễ tụng đọc. Các kinh điển được chọn lọc trong kinh tạng lại là những kinh tiêu biểu và căn bản, kinh nào cũng thiết yếu cho công phu hành trì của người xuất gia. Những bài kệ tán và xướng tụng hay nhất trong sách Nhật Tụng Thiền Môn cũ đều đã được phiên dịch rất khéo léo, thêm vào đó còn có rất nhiều bài kệ tán, phát nguyện và sám nguyện mới rất thích hợp với căn cơ và thời đại.
Sách "Nhật Tụng Thiền Môn" này nếu được đem ra áp dụng sớm sẽ tạo ra rất nhiều sinh khí mới cho thiền môn và mở ra một kỷ nguyên mới cho sự thực tập.
Trúc Lâm Thiền Viện, ngày 15.5.1997
Thiền sư Thích Thanh Từ
Lời nói đầu
Truyền thống thực tập hai buổi công phu bắt đầu từ đời Minh (1368 – 1628) và mãi đến đời Thanh (1610 – 1902) vào năm Quang Tự thứ 12 (1886), sách Thiền Môn Nhật Tụng mới chính thức ra đời trong hình thức ta thấy. Sách này gồm thâu lại tất cả những kinh văn, pháp ngữ, đà la ni, nghi thức, cảnh sách, vấn đối và giáo huấn trước đó thường được dùng trong các chùa thuộc nhiều tông phái khác nhau. Vì vậy tuy tên sách là Thiền Môn Nhật Tụng nhưng kỳ thực công phu soạn lục không phải chỉ là công phu của thiền môn mà còn là của các truyền thống khác như Luật, Tịnh Độ và Mật. Vào đời Thanh, các tông phái có khuynh hướng dung hợp, nhất là Thiền và Tịnh, vì vậy sách đã được sử dụng rộng rãi trong cả hai tông phái này. Buổi công phu sáng mang nặng màu sắc Mật Tông, nội dung là thần chú Lăng Nghiêm và mười thần chú khác.
Buổi công phu chiều thì vừa có màu sắc Tịnh Độ Tông vừa có màu sắc Mật Tông (nghi thức Tiểu Mông Sơn). Màu sắc Thiền Tông của đạo Bụt Việt Nam, vốn rất đậm đà trong lịch sử, qua hai buổi công phu ấy đã không được biểu hiện đầy đủ. Trong sách Nhật Tụng Thiền Môn Năm 2010 này, hai buổi công phu ở chùa đã được đề nghị thay đổi để nội dung được giàu có hơn về cả hai phía thiền tập và kinh văn. Thay vì ngày nào cũng tụng những kinh như nhau, ta được trì tụng mỗi ngày một hay nhiều kinh khác nhau, do đó những kinh điển căn bản về thiền tập đều được có dịp trì tụng và học hỏi. Buổi sáng, sau nửa giờ tĩnh tọa và kinh hành im lặng, ta bắt đầu trì tụng một kinh, như Kinh Kim Cương. Ngày hôm sau, ta tụng kinh khác. Sách này cống hiến nhiều kinh khác nhau cho bảy ngày trong tuần, và những tiết mục của buổi công phu cũng đầy đủ như trong nghi thức truyền thống, chỉ có khác hơn là nghi thức mới được trì tụng hoàn toàn bằng Quốc Ngữ.
Vì ta đã bắt đầu bằng nửa giờ tĩnh tọa và một vòng đi kinh hành im lặng nên đến tiết mục tuần nhiễu niệm Bụt, ta chỉ cần đi một hoặc hai vòng. Những điều vừa nói cũng được áp dụng cho nghi thức công phu chiều. Theo Nghi Thức này, mỗi tuần ta chỉ cúng thí thực bằng nghi thức Tiểu Mông Sơn một lần vào chiều thứ bảy. Tại những chùa vừa tu Thiền vừa tu Tịnh Độ thì trong buổi công phu chiều, ta niệm Bụt A Di Đà trong khi đi tuần nhiễu.
Thay vì có hai buổi công phu, ta có tới mười bốn buổi. Buổi công phu nào cũng được bắt đầu bằng tĩnh tọa và một vòng kinh hành im lặng. Giờ tĩnh tọa tối thiểu là từ 20 tới 30 phút. Tại các thiền viện, thời gian này có thể tăng lên tùy theo nhu yếu. Tại các chùa Thiền Tịnh song tu, hành giả có thể niệm Bụt Di Đà trong các buổi tĩnh tọa. Ngồi niệm Bụt, theo tinh thần của đạo Bụt nguyên thỉ, cũng là ngồi thiền. Khuya rằm và mồng một ta có thể thay buổi công phu sáng bằng nghi thức Chúc Tán.
Để cho nội dung các buổi tĩnh tọa được giàu có và lợi lạc, xin hành giả sử dụng sách Sen Búp Từng Cánh Hé, một thiền phổ tập hợp nhiều bài thiền tập rất có giá trị. Sách này do thiền sư Nhất Hạnh biên soạn căn cứ vào kinh nghiệm tu tập của mình và của những năm giảng dạy và hướng dẫn thiền tập ở Á Đông cũng như ở Tây Phương.