Những biến chuyển trong thời đại của chúng ta nhanh đến độ khiến cho kẻ nghiên cứu về các vấn đề xã hội phải luôn luôn xét định lại những vấn đề trong địa hạt của mình. Sự tiến bộ về khoa học đã khiến chúng ta phải điều chỉnh lại nhiều phong tục tập quán, tương quan xã hội cũng như tín ngưỡng. Điển hình là cái mà ta gọi là quốc gia. Tuy tiện cho việc giao dịch giữa các chính phủ cũng như cho việc tạo ý kiến chính trị cho toàn thể nhân dân nay cũng không còn thích hợp nữa. Đối với ai đã từng sống qua hai trận thế chiến và một cuộc trầm kha kinh tế thì sẽ thấy rõ ràng không một quốc gia nào, ngay cả đến quốc gia giàu mạnh nhất, có thể tự đảm bảo cho nhân dân của mình no đủ và an ninh - hai mục tiêu của ngoại giao. Tuy quốc gia là một tổ chức chính yếu nhưng nó rất ít thích nghi với những đòi hỏi hiện đại và do đó, nó chắc chắn sẽ tan rã. Cái khái niệm về chủ quyền tối cao đã từng được các vua chúa Châu Âu sử dụng để trong thì đàn áp phe quí tộc địa phương, ngoài thì chống lại Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và Thánh Đế Quốc La-Mã (Holy Roman Empire), không còn hiệu lực mấy trong thế kỷ mà sự tương lập chứ không phải sự độc lập là điều kiện thiết yếu cho sự tồn vong và tiến bộ.
Ta có thể đan cử ra nhiều thí dụ để chứng minh rằng xã hội đã không thay đổi kịp với đà biến chuyển của thực tại. Trong hoàn cảnh lịch sử này, nhiệm vụ của học giả thật rõ ràng. Vì được huấn luyện để nghiên cứu quá khứ, quan sát cho hiện tại và dự phóng cho tương lai, lời khuyến cáo của học giả có thể khích động được trí tưởng tượng và cảm nghĩ của người khác hầu có thể đưa đến những hành động và kết quả cụ thể. Do đó, trong phạm vi cuốn sách này tác giả đề cập đến hai tiêu đề chính: nghiên cứu và định giá hình thức chính quyền dân chủ và đồng thời để ra một lý thuyết tổng quát về diễn trình chính trị. Những tiêu đề này sẽ được khai triển theo phương pháp đối chiếu - so sánh giữa các xã hội dân chủ và không dân chủ cũng như giữa các chế độ dân chủ với nhau.
Trích Dẫn nhập