Gọi là truyện cổ, những truyện đã có từ ngàn xưa hoặc truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, hoặc ghi chép trong sách vở, phổ biến khắp dân gian.
Trên thế giới, quốc gia nào cũng có một số truyện cổ, phần nhiều dựa trên nền tảng thần thánh, huyền bí mà người có óc khoa học cho là dị đoan, hoang đường. Nhưng xét về phương diện triết lý thì mỗi chuyện đều hàm súc một hoặc nhiều ý nghĩa cao thâm, có tánh cách răn dạy con người bỏ cái xấu, chọn cái tốt. Ngoài ra, căn cứ vào những truyện đã qua, người đời sau mới có thể tìm hiểu dân tộc, tính của một nước, phong tục tập quán, tư tưởng, sinh hoạt của một sắc dân.
Nước Cao-Miên có một kho truyện cổ phong phú mà du khách có thể tìm thấy ở những tuồng hát gọi là Lokhon, trên vách các đền đài Angkor, các bản văn tàng trữ trong những ngôi chùa cổ kính, những bảo tàng viện, thư viện hoặc nghe nhân dân kể lại vào những giờ nhàn rỗi.
Tác giả sống ở đất bạn nhiều năm với nghề cầm bút, đã sưu tập hơn 70 truyện chia làm 5 loại:
- Truyện cổ, tích xưa về lịch sử
- Truyện gốc Bà-la-môn
- Truyện gốc Phật-giáo
- Truyện dân gian
-Truyện về các loài thú.
khả dĩ tiêu biểu cho những nét đặc biệt của dân tộc Khmer trên mọi phương diện.
Quí vị độc giả sẽ sống lùi lại nhiều thế kỷ trước với các triều đại vàng son của một Vương quốc kiêu hùng qua những huyền sử đượm màu sắc thần thoại, ly kỳ, sẽ ngạc nhiên thích thú với những mẩu chuyện gốc Bà-la-môn, Phật giáo mà quốc gia này chịu ảnh hưởng từ ngày dựng nước. Quý vị sẽ nhận thức rõ rệt nếp sống vật chất và tinh thần của người Cao-Miên qua những truyện dân gian với tánh chất thuần hậu, trung thành, kiên nhẫn, và dí dỏm đặc biệt của dân Đông-Nam-Á. Về truyện các loài thú, cổ nhân cũng khéo khai thác tính tình, thói quen của mỗi loại dựng thành từng bài học hay cho kẻ hậu sinh.
Nhà đại văn hào Anatole France từng cho rằng chuyện cổ tích là kho tàng quý báu nhất của văn hóa nhân loại. Chúng tôi mong rằng, với tập truyện cổ Cao-Miên, tác giả đã đóng góp một phần nhỏ vào kho tàng này.
Trích Lời nói đầu của Lê Hương