Triết lý Hiện sinh đã xuất hiện rầm rộ thành một phong trào từ năm 1927 ở Đức rồi tràn qua Pháp và các lân quốc vào năm 1935 cho tới ngày hôm nay. Những năm gần đây, xem ra phong trào đang lắng dịu dần: những lố bịch, những quá trớn kiểu thời trang đang bị thời gian đào thải. Nhưng những giá trị thực thụ vẫn có thể và còn tồn tại mãi mãi.
Triết lý của Jaspers - một trong những khuynh hướng căn bản của triết học hiện sinh - và riêng quyển Triết học nhập môn đây cũng đáng được liệt vào số những thể thức suy tư minh bạch, có hệ thống vĩ đại của những thế kỷ đi trước. Hơn nữa những lối suy nghĩ này còn vượt xa hẳn truyền thống cũ ở chỗ chúng dám mạo hiểm vào những miền sâu, bí ẩn chưa từng được khai thác. Với một biện chứng sâu sắc, tinh vi, chúng đã đi vòng theo những uẩn khúc quanh co của hiện sinh để mô tả lên những gì hầu như không mô tả nổi.
Nên lối lập luận ở đây đã quá phức tạp, chi ly!
Ngoài những giá trị suy tư vừa nói, triết lý của Jaspers lắm khi còn thể hiện ra như một bài học hay kinh nghiệm đạo đức cao siêu và phóng khoáng. Vì với mỗi trình bầy hay mô tả một khía cạnh nào về hiện sinh, tác giả cũng đồng thời nêu lên một hình ảnh đạo đức để khích lệ chúng ta vươn lên những phương hướng siêu việt, thâm sâu. Nhưng phải nói ngay rằng ở đây không phải một thứ đạo đức ngoại tại, phiếm diện hay tổng quát, mà là một thứ đạo đức xuyên tới "Nguồn suối" (Ursprung) của những "Yêu sách tuyệt đối" (die unbegingte Forderungen). Có thể nói đây là một thứ "Đạo tại Tâm".
Tóm lại, ở đây người đọc vừa học triết lý lại vừa sống triết lý minh học. Thực vậy, mỗi lần đọc lại những trang Triết học nhập môn nhất là những chương 5, chương 10, chương 11 là một lần trí khôn và tâm hồn như được tắm lại trong một sức sống và suy tư mới.
Trích Nhập đề
Lê Tôn Nghiêm