Ngôn ngữ Shakespeare đã đạt tới cái độ tối cao hoằng viễn trong kiệt tác vô tiền khoáng hậu của mình. Trong cái triều âm thanh dấy động cuồn cuộn trôi đi, còn lấp lánh xiết bao tinh hoa của tinh thể, tinh thể của tinh anh, tinh anh của tại thể, trong cái dòng tồn lưu bất tuyệt cuốn hút lẽ thị phi quay vù như chiêm bao chong chóng. Ảo mộng của đời, ảo ảnh của kiếp, ảo hoặc của tồn sinh, ảo huyền trong thông lụy; ôi tình, ôi mộng, ôi quốc sắc khuynh thành, ôi thiên hương khuynh quốc, ôi cái nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao, còn phiêu phiêu rớt hột:
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng Nữ chúa diệp phiêu phiêu.
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử sanh...
Cùng với Romeo và Juliet, cùng với Macbeth, Hamlet, Othello... Shakespeare sẽ đứng ở bên bờ Tỳ Hải mà nêu lại với Homère Nguyễn Du một vài ẩn ngữ cổ lục cảo thơm phiêu bồng với những trận trường phong trong phong tình giẫy sóng. Còn chúng ta? Chỉ xin lần giở ở bên đèn.
Bản dịch? Người dịch thỉnh thoảng có thêm một vài lời - kể cũng hơi buông tuồng. Nhưng nghĩ lại: đó chẳng qua là do những yêu sách của phần Bất Tư Nghị Shakespeare, và của Tinh Thể Việt Ngữ trải qua nhiều cuộc dâu bể đó thôi.
ĐỂ Ý: Bạn đọc nào không quen xem lịch sử Tây Phương thời cũ, ắt có thể lẫn lộn vài tên tuổi mấy nhân vật trong vở kịch. Chỉ cần lưu ý một điều. Có hai Caesar: Caesar cha, và Caesar con; có hai Pompey: Pompey con, và Pompey cha. Cả cha, cả con đều là những bậc tên tuổi. Pompey-con thì lo báo cừu cho Pompey-cha bị sát hại. Caesar-con thì mưu đồ dựng lại cái sơn hà La Mã sao cho nó lộng lẫy hơn cái sơn hà lỡ dở của cha xưa. Cha xưa đã bị sát hại trong trường hợp nào, để cho sự nghiệp chịu nửa đường đứt gánh? Một vở kịch khác của Shakespeare sẽ đáp câu hỏi đó cho bạn đọc Việt về sau.
Caesar-cha vốn xưa có một vị dõng tướng trung thành, tài hoa bạt tụy, chính là Antony. Mà về sau gặp hung vận, tình nghĩa tàn xiêu, biển dâu xô đẩy, Caesar-con đi tới cái chỗ tàn phá tan hoang cơ đồ kỳ tuyệt của mộng tưởng anh hùng huyền ảo Antony.
Antony si mê Cleopatra. Cleopatra vốn xưa kia là tình nhân chung đúc của Caesar-cha. thuở sinh thời của Caesar-cha, Antony cũng đã có đôi lần nhìn qua hình hài Cleopatra, và... cũng đã yêu thầm, dấu trộm... Nhưng chút mùi hương thoang thoảng đó không đủ xui chàng bước chân lên trùng dấu chân của chủ súy mình (Caesar-cha) mà mình vốn sùng kính thủy chung. Rồi lúc về sau, Caesar đã qua đời, chút hương xưa bỗng lừng cơn nung nấu. Antony đem hết bình sinh anh hoa tài tử ra phụng sự cho nàng, và cùng nàng tan hoang hình hài trong giai đoạn cuối, để lại bao xiết ngậm ngùi trong lịch sử nhân loại, từ đó về sau.
Nhà xuất bản
Kính đề