Nội dung tiêu chuẩn của Phật giáo là Tam Bảo : Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Phật bảo, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giáo chủ của đạo Phật; Pháp bảo, giáo pháp đã được đức Phật nói ra; Tăng bảo, đệ tử của Phật, nương vào lời dạy của Phật để tu hành, truyền trì mệnh mạch của giáo pháp. Tam bảo cũng còn là bản chất của Phật giáo. Phật bảo là biểu hiện cho mục đích tự giác, hoàn thành hai phần Bi Trí để trở thành nhân cách tối cao. Pháp bảo là khái niệm nhận thức về hết thảy chư pháp đều không tánh, duyên sinh, biểu hiện cho phần giải thoát khổ não, chuyển vào cảnh giới an lạc. Tăng bảo, nương vào phần tự giác của pháp làm cơ sở để kiến lập xã hội hòa bình, nhân gian Tịnh độ.
Tam bảo được hình thành từ ngày đức Phật còn tại thế, và vẫn được truyền trì phát triển, tồn tại liên tục ở thế gian cho tới hiện nay và mãi mãi sau này, đó là nương vào đạo tại nhân hoằng, nương vào sự nghiệp tuyên dươngchánh pháp của lịch đại Tổ Sư. Do vậy, Tăng bảo được coi là thành phầntrọng yếu, nhờ có Tăng hoằng mà Phật pháp được rộng mở trên khắp thế giới như ngày nay. Trong mỗi đất nước ở bất cứ nơi đâu, nếu có các bậc cao Tăng xuất hiện ở mỗi giai đoạn nào thì Phật pháp ở nơi ấy được phát triển hưng long. Thế nên, đạo Phật thịnh hay suy là căn cứ ở con người, không giới hạn nội qui, định thời chánh pháp, tượng pháp hay mạt pháp.
Đạo Phật được truyền vào Việt Nam, đã trải qua gần 2.000 năm lịch sử, qua nhiều thời đại có lúc thịnh lúc suy, đó chính là phản ảnh của các Cao Tăngcó xuất hiện hay không xuất hiện. Để ghi lại những trang sử về sự nghiệphoằng truyền Đạo pháp của các vị danh Tăng ấy qua các thời đại để khỏi bị thất lạc phai mờ trong quá khứ, và cũng để biểu thị những tấm gương trong sáng ấy phản chiếu cho đời hiện tại và tương lai, nên cuốn “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam” do Đại đức Thích Đồng Bổn chủ biên được xuất hiện, ra mắt độc giả lần đầu tiên tại Việt Nam.
Phật giáo Trung Quốc, ở đời Lương, cũng đã có bộ “Danh Tăng Truyện” của Sa môn Thích Bảo Xướng và “Cao Tăng Truyện” của Sa môn Thích Tuệ Cảo biên soạn. Tiếp đó là đời Đường lại có “Tục Cao Tăng Truyện” của Sa môn Thích Đạo Tuyên đã xuất hiện. Trong “Cao Tăng Truyện” của Tuệ Cảo, soạn giả có phê phán về chữ “Danh” và chữ “Cao” trong đề mục: “Nếu phần thực hành, hoạt động cao vời, thì trong cao tất có danh; còn có danh, vị tất đã có cao”. Do vậy mà soạn giả dùng chữ “Cao” thay cho chữ “Danh”.
Cao Tăng Truyện của Tuệ Cảo và Tục Cao Tăng Truyện của Đạo Tuyên, cả hai soạn giả đều trình bày về nội dung căn cứ theo 10 khoa, để biểu hiện thích ứng cho từng nhân vật. 10 khoa là: 1- Dịch kinh, 2- Nghĩa giải, 3- Tập Thiền, 4- Minh luật, 5- Hộ pháp, 6- Cảm thông, 7- Di thân (cốt) 8- Đọc tụng, 9- Hưng phúc, 10- Tạp khoa. Hiệu quả của các khoa Dịch kinh, Nghĩa giải, Tập thiền, Minh luật là cơ sở tu đạo; các khoa Hộ pháp, Cảm thông, Di thân, Đọc tụng, Hưng phúc, Tạp khoa là sự nghiệp tiếp vật lợi sinh.
Cuốn “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam”, từ Danh Tăng được dùng trong đề mục, chữ “Danh” đồng nghĩa với chữ “Cao” nên Danh Tăng ở đây cũng đồng nghĩa là Cao Tăng, không giống với ý nghĩa phân tích của Sa Môn Tuệ Cảo. Nội dung cuốn “ Tiểu Sử Danh Tăng” này, được ghi chép gồm 100 vị Danh Tăng Việt Nam và 4 nhân vật Cư Sĩ tiêu biểu, đã viên tịch ở thế kỷ thứ XX này. Trong mỗi tiểu sử, Ban Biên Tập đều ghi đầy đủ: Danh hiệu, tục tính, nơi sinh, hành trạng sự nghiệp tu hành, nơi tham học, hoằng đạo và nơi chùa trụ trì, ngày tháng năm thị tịch, tuổi thọ, hạ lạp, tháp hiệu, và trình bày tổng quát về sự nghiệp hoằng đạo, truyền đạo, không phân tích thành từng khoa như trên, để người đọc và kê cứu tự tìm hiểu về khả năng tuyên dương giáo pháp của mỗi vị.
Đây là tác phẩm viết về “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam” lần đầu tiên được ra mắt độc giả. Tuy nhiên, việc hoàn thành được tác phẩm này không phải là việc làm dễ dàng, mà soạn giả cùng với Ban Biên Tập và rất nhiều cộng tácviên nhiệt tâm đã phải tốn bao công sức, bao cố gắng nghiên cứu sưu tầm khắp đó đây trong cả nước. Nay xin chân thành giới thiệu cuốn “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam” tới Tăng Ni nhị bộ chúng, các hàng Phật tử, và các nhà Thiện tri thức.