Lộ trình tư tưởng của Heidegger là một nỗ lực cốt yếu để suy tư đến cái phần chưa-được-suy-tư trong truyền thống siêu thể học Tây phương từ thời Platon và Aristote đến nay. Cõi miền chưa-được-suy-tư ấy là Tính Thể (Sein) và Lai Tính hay Lai Thể (Ereignis) của Tính Thể.
Lộ trình ấy là một con đường nhằm thể nghiệm một số những kinh nghiệm uyên nguyên của tư tưởng để khai mở lại một khởi đầu chân chính cho sinh hoạt triết lý. Đó là một con đường đang tự hình thành và tự phóng vượt, một con đường lưu lãng vu vơ, im lặng băng qua những náo động của những trào lưu triết học hiện đại: một nẻo đường rừng (Holwege), như chính tác giả đã có phen gọi thế.
Thể nghiệm một kinh nghiệm tư tưởng mới: đấy là nguyên do tất cả tính cách khúc mắc trong văn từ và suy niệm của Heidegger. Kinh nghiệm mới ấy là kinh nghiệm về Tính Thể và về Tính Thể như là Lai Tính (Sein als Ereignis). Kinh nghiệm mới ấy-đối tượng tinh yếu của tư tưởng-đã được hé thấy trong buổi bình minh của tư tưởng Hy Lạp, nhưng rồi sau đấy lại bị rơi vào quên lãng trong suốt 2.500 năm, do một định mệnh kỳ dị của dòng lịch sử tây phương.
Đánh thức con người hiện đại để chuyển hướng suy niệm từ Vật Hiện Thể (Seiende) sang trầm tư về Tính Thể (Sein) trong phương trời của sự dị biệt tính thể, rồi suy tư chính sự dị biệt ấy để khước từ nó: đấy quả là một công tác khó khăn, nhất là khi tư tưởng vẫn phải vẫn phải vận chuyển giữa dòng ngôn ngữ biểu tượng của truyền thống mà nó muốn vượt chuyển. Trong số những tác phẩm thể hiện công tác trên, Thư Về Nhân Bản Chủ Nghĩa có một vị trí đặc biệt do ở tính cách thời lượng của vấn đề mà nó đề cập.
Thư Về Nhân Bản Chủ Nghĩa là một lá thư dài của Heidegger gởi cho triết gia Pháp Jean Beaufret vào mùa thu năm 1946, nhằm giải minh một số những câu hỏi do Jean Beaufret đặt ra trong một lá thư trước. Đấy là câu hỏi: 1) Làm thế nào tái bản cho chủ nghĩa nhân bản một ý nghĩa? 2) Tương quan giữa một khoa tính thể học (Ontologie) với một khoa đức lý học (Ethik) khả hữu, được quan niệm như thế nào? 3) Làm thế nào để cứu vãn yếu tố phiêu lưu vốn được cưu mang trong mọi công cuộc suy tầm, song không vì thế mà biến triết học thành một cuộc phiêu lưu lãng đãng?
…
(Còn nữa)
Trích "Khai lộ"
TRẦN XUÂN KIÊM
Vạn Hạnh 1972