Thanh-hóa là một tỉnh rộng lớn nhất nước Việt-Nam, gồm có 24 phủ, huyện và châu.
Thanh-hóa cũng là vựa lúa lớn nhất miền Trung-Bắc nước ta, với những câu phương-ngôn: "Được mùa Nông-cống sống thiên-hạ", và "Được mùa Nông-cống sống khắp nơi", v.v... Và Thanh-Hóa cũng là một hạt có những sản-vật trân-kỳ đặc biệt: "Thanh-hóa Trịnh-vạn vi ngọc quế, Nghệ-an Quỳ-châu thứ chi".
Thanh-hóa núi không quá cao, sông không quá sâu và xiết như sơn xuyên các tỉnh Nghệ-an, Hà-tĩnh, Quảng-nam, Quảng-nghĩa... đã chung đúc ra những mẫu người có một truyền-thống thuần-lương, thanh-nhã...
Theo thuyết phong-thủy (phép địa-lý), Thanh-hóa là đất Đế-Vương chung hội. Riêng chúng tôi thì lại không muốn hiểu như thế, vì chúng tôi nghĩ rằng: Dù Lam-Sơn (thuộc tỉnh Thanh-hóa) có là cơ-sở của cuộc tranh đấu chống ngoại xâm do Bình-định-vương Lê-Lợi khởi-xướng, qua 10 năm kháng-chiến diệt Minh để xây-dựng nhà Hậu-Lê, cũng như Thanh-hóa là Thang-mộc-ấp của triều Nguyễn, các sự-kiện lịch-sử nầy, còn rất nhiều yếu-tố địa-lý và nhân-chủng khác cấu tạo nên, chúng ta không nên khẳng-định vấn-đề một cách độc-đoán và phiến-diện như thế.
Để tìm hiểu tỉnh Thanh-hóa một cách tương-đối đầy-đủ hơn về dân-phong sĩ-khí cũng như thủy tú sơn kỳ của từng phủ, huyện và châu thuộc tỉnh Thanh-hóa, năm thứ 15 niên-hiệu Thành-thái (tức năm Quý-mão là năm 1903 sau Công-nguyên), Cụ Vương Duy-Trinh, với hàm hiệp-biện đại học-sĩ, lãnh chức Tổng-đốc tỉnh Thanh-hóa đã sáng-thảo quyển "Thanh-hóa quan-phong" bằng chữ Nôm gồm 70 tờ (70 x 2 = 140 trương).
Với quyển sách dày 140 trương giấy, tác-giả đã cho chúng ta biết khá tường-tận về tỉnh Thanh-hóa.
...
Sài-gòn ngày 1 tháng 9 năm 1971
Dịch-giả cẩn chí