Sử ký là pho sách được Thái sử công Tư Mã Thiên viết nên bằng tâm huyết cả đời, gửi vào đấy biết bao nỗi niềm cho hậu thế. Nhưng đến nay, hơn hai ngàn năm đã trôi qua, chừng như vẫn chưa có được một bản dịch đầy đủ để bạn đọc có thể thưởng thức trọn vẹn tác phẩm, cũng như cảm nhận sự kỳ công của tác giả khi làm nên công trình vĩ đại này. Bởi thế, dẫu biết đang làm một việc quá sức, chúng tôi vẫn xin được giới thiệu một bản dịch Sử ký mới với thứ tự trình bày theo đúng nguyên tác, gồm cả thảy năm phần, lần lượt từ Bản kỷ, Biểu, Thư, Thế gia cho tới Liệt truyện. Đồng thời, để giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm, chúng tôi cũng cố gắng dịch lại các chú thích mà tự xét thấy là phù hợp trong Tam gia chú, tức Tập giải của Bùi Nhân thời Lưu Tống, Sách ẩn của Tư Mã Trinh thời Đường, Chính nghĩa của Trương Thủ Tiết thời Đường. Tất cả những phần này đều được đưa vào cước chú, của nhà nào thì ghi rõ nhà đó, đa phần là dẫn nguyên văn, một số quá dài hay trúc trắc thì lược bớt hoặc diễn giải lại.
Bản kỷ là phần đầu tiên của Sử ký, gồm cả thảy mười hai thiên, chép việc từ thời Ngũ Đế cho tới thời Hán Vũ Đế. Về ý nghĩa của từ “bản kỷ”, đại để có thể hiểu bản tức là căn bản, kỷ tức là kỷ cương, cái kỷ cương căn bản nằm ở người nắm chính lệnh, cho nên Bản kỷ là sự ghi chép về những người nắm giữ chính lệnh trong thiên hạ, thường là các bậc Đế, Vương.
Trong Bản kỷ, tác giả chủ yếu ghi chép theo lối biên niên, liệt kể về từng triều đại hoặc từng vị vua theo trình tự thời gian, trải dài từ thời viễn cổ cho tới thời điểm mà tác giả sinh sống. Nhìn từ tổng thể, có thể nói Bản kỷ chính là bộ khung của Sử ký, cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát về hơn hai nghìn năm lịch sử của dân tộc Hoa Hạ. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính yếu khiến tác giả đặt phần này ở đầu tiên.
Danh sách mười hai thiên Bản kỷ như sau:
Trong đó, Ngũ Đế bản kỷ chép về năm vị Đế là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Thiên này nội dung tương đối giản lược, mang yếu tố truyền thuyết nhiều hơn chính sử, như lời tác giả nói thì chủ yếu là dựa vào Ngũ Đế đức, Đế hệ tính và Thượng Thư mà soạn ra.
Hạ bản kỷ chép về nhà Hạ, nội dung chủ yếu dựa theo Thượng Thư và Tả truyện. Phần lớn dung lượng thiên này là nói về công cuộc trị thủy và phân định đất đai của Đại Vũ, còn giai đoạn từ khi Vũ tức vị cho đến các đời vua sau chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn, phần lớn chỉ chép tên mà thôi.
Ân bản kỷ chép về nhà Ân, nội dung chủ yếu dựa theo Thượng Thư và Kinh Thi, khởi đầu từ tổ của nhà Ân là Tiết, kết thúc khi Ân Trụ để mất thiên hạ về tay Chu Vũ Vương. Thiên này tuy vẫn giản lược nhưng so với Hạ bản kỷ thì đã có nhiều chi tiết hơn, khiến người đọc hình dung được một tiến trình hưng suy của triều đại này.
Chu bản kỷ chép về nhà Chu. Tới giai đoạn này thì sử liệu mà tác giả có thể tham khảo đã dồi dào hơn nhiều, tiêu biểu như Thượng Thư, Kinh Thi, Xuân Thu, Tả truyện, Quốc ngữ, Chiến quốc sách, Tần kỷ... cho nên có rất nhiều sự kiện được chép khá chi tiết, đặc biệt là ở thời Xuân Thu, khiến người ta thấy rõ quá trình nhà Chu tích đức nhiều đời, để rồi lấy được thiên hạ, sau lại vì thất đức mà để mất quyền bính về tay chư hầu, đến cuối cùng thì hoàn toàn diệt vong.
Tần bản kỷ chép về nước Tần từ khi hưng khởi cho tới khi Tần Thủy Hoàng nối ngôi, có kể thêm một chút về nội dung của thiên sau, cho tới khi nhà Tần diệt vong. Xét về mặt thời gian, Chu bản kỷ với Tần bản kỷ hầu như trùng nhau, có điều, nội dung của Chu bản kỷ tập trung nhiều vào thời Tây Chu và Xuân Thu, Tần bản kỷ thì tập trung nhiều vào thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Ngoài ra, sở dĩ nước Tần được chép riêng thành một thiên bản kỷ, đại để là vì về cuối thời Chiến Quốc, các chư hầu hầu hết đều đã nghe lệnh nước Tần rồi. Dĩ nhiên, cũng có thể là vì nếu ghép chung với giai đoạn sau thành một thiên thì sẽ quá dài, cho nên tác giả mới tách ra như vậy.
Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép về nhà Tần từ khi Tần Thủy Hoàng nối ngôi cho tới khi diệt vong, trải ba đời là Tần Thủy Hoàng, Tần Nhị Thế và Tần Vương Tử Anh. Đây là thiên dài nhất của phần Bản kỷ, ghi chép lại chi tiết quá trình thống nhất thiên hạ của Tần Thủy Hoàng, sau đấy là công cuộc xóa bỏ chế độ phong kiến để thay bằng lối cai trị tập quyền, rốt cuộc vì hà khắc tàn bạo mà chỉ truyền thêm được hai đời đã diệt vong. Ngoài ra, ở cuối thiên này còn liệt kê lại một lượt danh sách các vua nước Tần, ghi kèm số năm tại vị và nơi an táng, nội dung hơi khác với thiên Tần bản kỷ. Theo Sách ẩn chú giải thì phần này là dựa theo sách Tần kỷ, vì có những chỗ dị biệt chưa thể dám chắc đúng sai nên tác giả đặt ra phía sau. Kế sau nữa còn có một đoạn là lời bình của Ban Cố về sự hưng khởi và diệt vong của nhà Tần, đoạn này dĩ nhiên là do người đời sau ghép thêm vào chứ không có trong nguyên tác.
Hạng Vũ bản kỷ chép về Tây Sở Bá vương Hạng Vũ từ thời niên thiếu cho đến khi diệt Tần, phân phong chư hầu rồi cuối cùng thua trận, tự sát ở Ô Giang. Kể từ đây thì mỗi thiên bản kỷ chỉ chép về một nhân vật chính mà thôi, hành trạng đa phần được mô tả khá chi tiết. Có điều, việc đặt thiên này ở phần Bản kỷ gây khá nhiều tranh cãi, vì tuy Hạng Vũ đóng góp công lao lớn nhất trong việc diệt Tần rồi sau đó chủ trì phân phong chư hầu, nhưng đó chỉ là sự kiện mang tính nhất thời và Hạng Vũ trên thực tế cũng chưa bao giờ cai trị thiên hạ.
Cao Tổ bản kỷ chép về Hán Cao Tổ Lưu Bang, vị Hoàng đế khai quốc của nhà Hán. Do Lưu Bang với Hạng Vũ gần như cùng thời, nhiều sự kiện cả hai còn cùng nhau tham gia, do vậy hai thiên bản kỷ có sự trùng lặp nhất định về nội dung. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ sẽ thấy cùng một việc mà lối viết ở hai thiên lại có chút khác biệt nhỏ, thường là bản kỷ của ai sẽ viết tốt về người đó hơn.
Lã Hậu bản kỷ chép về Lã Trĩ, Hoàng hậu của Hán Cao Tổ. Đây cũng là một thiên gây nhiều tranh cãi, không phải vì Lã Hậu có xứng đáng đặt vào bản kỷ hay không, mà ở chỗ Hán Huệ Đế không được chép bản kỷ riêng mà bị chép gộp vào thiên này. Dĩ nhiên, tác giả cũng không phải là không có lý khi cho rằng trong thời kỳ ấy Hiếu Huệ không có quyền hành gì cả, quyền lực thực sự nằm ở tay Lã Hậu.
Hiếu Văn bản kỷ chép về Hán Văn Đế Lưu Hằng, vị Hoàng đế được lập nên sau khi các đại thần tru diệt họ Lã. Thiên này khá đầy đặn, chủ yếu miêu tả về các hành vi nhân đức của Văn Đế trong thời kỳ trị vì, khắc họa rõ nét hình ảnh của một vị nhân chủ.
Hiếu Cảnh bản kỷ chép về Hán Cảnh Đế Lưu Khải, con của Hán Văn Đế. Trong phần Bản kỷ thì đây là thiên ngắn nhất, nội dung khá sơ sài, hầu như chỉ chép năm và chép việc ngắn gọn, khác hẳn với các thiên trước đó. Nhiều ý kiến cho rằng đây không phải nguyên tác, nhưng cũng chưa thể khẳng định.
Hiếu Vũ bản kỷ chép về Hán Vũ Đế Lưu Triệt, con của Hán Cảnh Đế. Thiên này có thể khẳng định là không phải nguyên tác, nội dung cũng không nhất quán, đa phần ý kiến cho rằng nó được Chử Thiếu Tôn bổ khuyết dựa trên các nội dung liên quan tới Hán Vũ Đế trong Phong thiện thư. Còn về nguyên tác, như trong phần Thái sử công tự tự đã nói, đáng lẽ phải gọi là Kim Thượng bản kỷ, có ý kiến cho rằng vì trong đấy có nhiều chi tiết nói xấu Hán Vũ Đế, cho nên Vũ Đế xem xong đã ra lệnh hủy đi rồi, ấy là một điều đáng tiếc lớn.
Biểu là phần thứ hai của Sử ký, gồm cả thảy mười thiên, với các sự kiện, các nhân vật được xếp cột chia ô và đưa vào chung trong các bảng biểu lớn có một trục là thời gian, một trục là địa điểm. Nhìn vào đó, ta có thể xác định được sự kiện đó xảy ra ở đâu, vào thời điểm nào, cùng lúc đó đang có những điều gì khác xảy ra ở xung quanh, rất trực quan và dễ hiểu. Trước các bảng biểu thông thường lại có một đoạn lời mào ngắn gọn mà giàu ý tứ, trình bày các quan điểm của tác giả về lịch sử, về thời cuộc, đồng thời giới thiệu về nội dung của phần bảng biểu ở dưới.
Đại để sau khi xem xong phần thứ nhất là Bản kỷ, người đọc đã có được một sự hình dung cơ bản về dòng chảy lịch sử của dân tộc Hoa Hạ rồi, nhưng do sự ghi chép chủ yếu xoay quanh người cai trị nên rất nhiều chi tiết bị bỏ sót, đặc biệt là vào những thời buổi nhiễu nhương như Xuân Thu, Chiến Quốc hay khoảng giao thời Tần Sở, khi có rất nhiều thế lực đồng thời tồn tại, các sự kiện thì xảy ra đan xen với nhau. Do đó, phần Biểu này được xếp ở vị trí thứ hai ngay sau Bản kỷ, giúp bộ khung về lịch sử được mở rộng và củng cố hơn.
Thực tâm mà nói, chúng tôi đã không khỏi choáng ngợp khi mới tiếp xúc với các bảng biểu này, cảm thấy đây đích xác là một công trình vĩ đại. Cần phải biết rằng vào thời của tác giả thì còn chưa có giấy, công cụ ghi chép chủ yếu là thẻ tre và lụa, vậy mà tác giả có thể kẻ ra những tấm bảng với một chiều có thể lên tới hàng chục ô, một chiều có thể lên tới hàng trăm ô, chỉ riêng công việc ấy thôi đã gian nan biết chừng nào. Huống hồ phần gian nan hơn còn là sắp xếp sử liệu, xác định thời gian, địa điểm và đặt chúng vào những vị trí chính xác nữa, phải là một con người cẩn trọng, tỉ mỉ tới mức nào thì mới làm nổi những công việc như vậy?
Danh sách mười thiên Biểu như sau:
Trong đó, Tam đại thế biểu ghi chép về Ngũ Đế và thời Tam đại, tức là ba triều Hạ, Ân, Chu, với triều Chu thì chỉ chép tới thời Cộng Hòa. Thiên này chia làm hai biểu, biểu thứ nhất chép từ Ngũ Đế cho tới Chu Vũ Vương, đồng thời ghi chép phả hệ của Chuyên Húc, Khốc, Nghiêu, Thuấn cùng với nhà Hạ, nhà Ân, nhà Chu; biểu thứ hai chép từ Chu Thành Vương cho tới thời Cộng Hòa, đồng thời lập phả hệ tương ứng của các nước chư hầu là Lỗ, Tề, Tấn, Tần, Sở, Tống, Vệ, Trần, Thái, Tào, Yên. Theo lời tác giả, do giai đoạn này đã quá xa xôi, không thể xác định rõ năm tháng, cho nên chỉ có thể ghi chép theo từng đời, gọi là thế biểu, đây cũng là thiên thế biểu duy nhất.
Thập nhị chư hầu niên biểu nghĩa là niên biểu về mười hai nước chư hầu, nhưng thực tế chép về mười ba nước, lần lượt là Lỗ, Tề, Tấn, Tần, Sở, Tống, Vệ, Trần, Thái, Tào, Trịnh, Yên, Ngô, ngoài ra còn có nhà Chu và một cột năm Can Chi nữa để xác định thời gian. Để giúp độc giả tiện theo dõi, người dịch có bổ sung thêm một cột ghi năm theo Tây lịch, các biểu phía sau cũng đều tương tự như thế. Về nguyên nhân tên biểu ghi là mười hai mà thực chất lại có mười ba chư hầu, Sách ẩn cho là vì coi khinh Di Địch nên không đếm nước Ngô, còn sở dĩ vẫn chép là bởi sau này nước Ngô có thời điểm trở thành bá chủ chư hầu. Cách giải thích ấy thực vẫn hơi khiên cưỡng, nhưng ta tạm cũng chưa tìm ra lý do nào xác đáng hơn. Về phần thời gian, biểu này nối theo sau Tam đại thế biểu, chép từ Cộng Hòa nguyên niên, tức là năm 841 TCN, kết thúc ở năm 43 thời Chu Kính Vương, tức năm 477 TCN, trải dài 365 năm, là phần dài nhất trong mười biểu.
Lục quốc niên biểu nghĩa là niên biểu về sáu nước, không gọi là chư hầu nữa vì Thiên tử thực chất chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa mà thôi. Theo lời tác giả thì thiên này viết dựa theo Tần kỷ, là sách sử của nước Tần, cách gọi “lục quốc” đại để cũng là theo sách ấy, chỉ các nước Sở, Tề, Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, ngoài ra còn có hai cột nữa, chép về nước Tần và nhà Chu. Về phần thời gian, biểu này nối theo sau Thập nhị chư hầu niên biểu, chép từ Chu Nguyên Vương nguyên niên, tức là năm 476 TCN, kết thúc ở năm thứ ba thời Tần Nhị Thế, tức là năm 207 TCN, trải dài 270 năm.
Tần Sở chi tế nguyệt biểu nghĩa là nguyệt biểu về khoảng giao thời Tần Sở. Theo lời tác giả thì giai đoạn này thiên hạ rối ren, trong vòng ba năm mà ba lần đổi hiệu lệnh, cho nên phải dùng nguyệt biểu chép việc theo tháng để mọi sự được rõ ràng. Thiên này chia làm hai biểu, biểu thứ nhất chép việc từ tháng bảy năm đầu thời Nhị Thế (209 TCN) là thời điểm Trần Thiệp khởi nghĩa, kết thúc vào tháng mười hai của năm mà Tần Vương Tử Anh bị giết (206 TCN), tổng cộng là 31 tháng (do có một tháng nhuận). Biểu này chép về nước Tần cùng sáu nước lớn thời Chiến Quốc, ngoài ra còn có một cột đề là Hạng, chép về Hạng Lương và Hạng Vũ, một cột đề là Hán, chép về Hán Cao Tổ, cột về nước Tần được dùng làm trục thời gian chính. Biểu thứ hai nối ngay sau biểu thứ nhất, chép từ thời điểm Hạng Vũ phân phong cho mười tám nước chư hầu, tổng cộng gồm hai mươi cột là nước Sở và mười tám chư hầu, ngoài ra có Nghĩa Đế được tách ra riêng một cột, nối theo nước Sở ở biểu trước, cột đề là Hạng ở biểu trước thì đổi thành Sở, vì bấy giờ Hạng Vũ đã xưng là Tây Sở Bá vương rồi; biểu này kết thúc ở tháng chín nhuận, năm thứ năm nhà Hán, tổng cộng là 59 tháng, cột về nước Hán được dùng làm trục thời gian chính. Người dịch có bổ sung một cột ghi năm TCN để bạn đọc tiện theo dõi, do bấy giờ dùng lịch Kiến Hợi, lấy tháng mười là tháng đầu năm, do vậy thời điểm ghi năm sẽ là tháng mười. Trong biểu thứ nhất, chỉ có Tần, Sở đếm tới tháng 12 thì sẽ đổi sang thành năm thứ hai, tháng 1; những nước còn lại đều đếm tiếp đến tháng 13, 14 và kéo dài tới khi kết thúc thì thôi. Trong biểu thứ hai, đa phần các nước đếm tới tháng 12 sẽ đổi sang năm thứ hai, nhưng vẫn có một số nước đếm tiếp là Hàn, Tề, Ngụy, Đại, Ân, Lâm Giang, cá biệt có nước Hành Sơn ban đầu cứ đến tháng 12 thì đổi, riêng có tháng cuối cùng lại chép đến 13, người dịch chưa nắm rõ được duyên do của việc này.
Hán hưng dĩ lai chư hầu Vương niên biểu tức là niên biểu về các Vương chư hầu từ khi nhà Hán hưng khởi tới nay. Biểu này chép về những người được phong Vương thời Hán, gồm cả những người khác họ và người họ Lưu. Về mặt thời gian thì nó nối sau Lục quốc niên biểu, chép từ Cao Tổ nguyên niên (206 TCN) cho tới năm Thái Sơ thứ tư (101 TCN), trải dài 106 năm.
Cao Tổ công thần Hầu giả niên biểu tức là niên biểu về các công thần được phong Hầu thời Cao Tổ. Đến biểu này thì quy cách đã thay đổi, không tập trung vào dòng thời gian nữa mà tập trung vào nhân vật, tổng cộng có 143 nhân vật được liệt kê theo chiều dọc, chiều ngang thì là công tích giúp họ được phong Hầu và hành trạng của họ cho đến thời con cháu qua từng thời kỳ là Cao Tổ, Hiếu Huệ, Cao Hậu, Hiếu Văn, Hiếu Cảnh và Hiếu Vũ, ở cuối còn có thêm một cột nữa ghi thứ bậc tước Hầu, cũng là thứ bậc công lao của các công thần khai quốc này.
Huệ Cảnh gian Hầu giả niên biểu tức là niên biểu về các vị Hầu từ thời Hiếu Huệ đến Hiếu Cảnh. Thiên này gồm bốn biểu nhỏ, lần lượt là những người được phong Hầu thời Hiếu Huệ, thời Cao Hậu, Thời Hiếu Văn và thời Hiếu Cảnh, về mặt nội dung thì gần giống với Cao Tổ công thần Hầu giả niên biểu.
Kiến Nguyên dĩ lai Hầu giả niên biểu tức là niên biểu về các vị Hầu từ thời Kiến Nguyên tới nay. Về mặt nội dung thiên này cũng gần tương tự hai thiên trước, các giai đoạn thì được chia ra theo niên hiệu của Hán Vũ Đế.
Kiến Nguyên dĩ lai Vương tử Hầu giả niên biểu tức là niên biểu về các Vương tử được phong Hầu từ thời Kiến Nguyên tới nay. Biểu này với Kiến Nguyên dĩ lai Hầu giả niên biểu hầu như tương đồng về lối trình bày và khung thời gian, khác ở chỗ biểu trước chép về những người nhờ công tích mà được phong Hầu, biểu này chép về những người là con của Vương chư hầu nên được phong Hầu.
Hán hưng dĩ lai tướng tướng danh thần niên biểu tức là niên biểu về các danh thần văn võ từ khi nhà Hán hưng khởi tới nay. Đây là thiên biểu duy nhất không có lời mào, đồng thời quay trở lại chép thời gian theo chiều dọc, cạnh cột thời gian là cột ghi các sự kiện lớn, tiếp nữa thì là ba cột ghi về Thừa tướng (Tướng quốc), Tướng quân và Ngự sử đại phu. Về mặt thời gian, trong các phiên bản hiện lưu truyền thì biểu này chép từ Cao Tổ nguyên niên (206 TCN) cho tới tận Hồng Gia nguyên niên thời Hán Thành Đế (20 TCN). Sách ẩn và Tập giải đều cho rằng phần từ Thái Thủy nguyên niên (96 TCN) về sau là do người đời sau, hay cụ thể hơn là Chử tiên sinh chép nối thêm vào.
* * *
Nhìn chung, ta không thể phủ nhận rằng Biểu là phần có ít giá trị văn học nhất trong toàn bộ Sử ký, ngay chính tại Trung Quốc, các phiên bản dành cho thiếu niên hay phiên bản giá rẻ của Sử ký cũng thường lược bỏ phần Biểu này. Dĩ nhiên, số độc giả đủ kiên nhẫn để đọc các bảng biểu dọc ngang dằng dịt ấy hẳn không nhiều và các nhà xuất bản có đủ lý do để làm như vậy. Nhưng nếu xét về mặt sử học, đây chắc chắn là phần có giá trị nhất. Nếu không có Biểu, ta sẽ phải mất rất nhiều công sức để sắp xếp ra được một dòng thời gian trải dài hàng nghìn năm cũng như làm rõ mối liên quan giữa các sự kiện, càng khó lòng có được cái nhìn bao quát đối với từng sự kiện trong bối cảnh rộng lớn của thời cuộc. Nếu không có Biểu, vô vàn nhân vật sẽ bị bỏ quên, vô vàn sự kiện sẽ không được ghi chép lại. Cái ưu điểm lớn nhất của Biểu có lẽ chính là sự bao la của nó, một sự bao la đủ sức dung chứa được mọi thứ trong khoảng thời gian và không gian mà nó vươn đến, tất nhiên là chỉ ở dạng cực kỳ giản lược, nhưng như thế thiết nghĩ cũng đủ rồi.
Ở Việt Nam, theo kiến văn hạn hẹp của chúng tôi thì ngoài một vài lời mào, thậm chí còn chưa có biểu nào được dịch ra tiếng Việt. Có ý kiến cho rằng phần này ít có giá trị với bạn đọc phổ thông, hoặc giả là nó... tốn giấy quá, thành ra mới không được dịch. Nói như vậy tất nhiên không phải là không có lý và lý do khác thì hẳn cũng còn nhiều, nhưng nhìn từ góc độ cá nhân, chỉ cần nghĩ tới cái công phu tỉ mỉ để soạn ra mười thiên biểu ấy, nó đã xứng đáng để ta chiêm ngưỡng với cả một tấm lòng kính phục. Bởi thế, với một chút ngông cuồng chẳng biết tự lượng sức mình, chúng tôi xin được giới thiệu tới các bạn trọn vẹn mười thiên Biểu này. Do tính chất phức tạp của bản thảo cũng như trình độ còn hạn chế, những sai lầm e là điều khó tránh khỏi, chúng tôi rất mong được bạn đọc chỉ bảo thêm.
Nguyễn Đức Vịnh