Nhà Tây Sơn (1778 - 1802), do mấy anh em "áo vải", đáp theo tiếng gọi của thời đại, tiếng gọi của dân chúng, trỗi dậy với bao hào khí, hùng tâm, giữ vững được tự do, chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam, suốt từ Nam Quan đến Gia Định.
Về chính sự cũng như về võ công, đời Tây Sơn có nhiều rực rỡ lắm. Chẳng thế, từ khi quật khởi (1771) đến lúc bại vong (1802), trong vòng thời gian ngắn ấy, Bắc quét được Mãn Thanh, Nam đuổi được Xiêm La, Tây phục được Miên, Lào, thống nhất Trung, Nam, Bắc, trước đó chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Một triều đại dầu hưởng thụ ngắn ngủi, nhưng kinh tế có tổ chức, chính trị có tổ chức, quân sự có tổ chức, xã hội có tổ chức, không lẽ trên trang văn học lại không có nét gì đặc biệt đáng ghi?
Nghĩ vậy, trong vòng ngót hai mươi năm nay, tôi vẫn để tâm khảo cứu đến đoạn lịch sử Tây Sơn là một triều đại bị phe chiến thắng xóa nhòa gần hết: đào mả, tán xương, tru di giống nòi, rất đỗi niên hiệu Cảnh Thịnh rên chuông đồng và tờ nhan ngoài bộ Đại Việt Sử Ký khắc đời Tây Sơn cũng bị đục bỏ, xóa đi cho tuyệt dấu tích.
Thời gian khảo cứu dần dần mang lại cho tôi một vài tia sáng: càng đi sâu vào lịch sử Tây Sơn, càng thấy có cái đặc điểm văn học: trọng dụng quốc văn.
Phải, một triều đại đã có nhiều sáng kiến về kinh tế (như việc đòi lập nhà hàng ở Nam Ninh thuộc Quảng Tây), về võ bị (như việc bắt buộc đầu quân), về chính trị (như việc làm thẻ tín bài) như kia, thế nào chẳng có cái đáng chú ý về văn học? Thì một việc yêu tiếng mẹ đẻ, trọng dụng quốc văn đủ nêu cao viết lớn những chữ vàng trên tờ văn học sử của thời đại ấy.
Đã tìm được phương hướng, tôi cứ lần bước trong "tiểu thụ tâm" quốc văn Tây Sơn, nay đã có thể nói với các bạn thâm môn rằng đời Tây Sơn cũng trội về quốc văn và QUỐC VĂN ĐỜI TÂY SƠN đã chiếm được một địa vị quan trọng trên trang sử văn học thuần túy Việt Nam cận đại.
Nhà Tây Sơn sớm sụp đổ, đến nỗi những đặc điểm về văn học ấy, cũng như các sáng kiến về mọi phương diện khác, tuy không kịp phát triển được rộng, ăn rễ được sâu, nhưng cái "cây" quốc văn đã vun trồng trong khoảng hai mươi năm đó cứ theo thời gian, chống với gió sương, dạn cùng giông tố, vượt bao chật vật khó khăn để đến ngày nay, đi kịp tư trào thế giới, rèn thành một thứ lợi khí cho Việt Nam xây dựng một nền văn hóa dân tộc, khoa học và đại chúng.
Mồng sáu tháng giêng 1950
Trích Lời đầu - tác giả