"Nho giáo" ra đời đã gần mười năm, bây giờ vô cố tôi đem nó ra phê bình, không khỏi có người cho là một việc quá muộn nếu không ngờ là việc tư hiềm.
Thưa không! Bây giờ phê bình sách ấy mới vừa, để chậm một vài năm nữa, cố nhiên sẽ bị chậm quá, nhưng nếu nói sớm một vài năm trước, cũng là sớm quá.
[...]
Tuy "Nho giáo" có nhiều chỗ sai lầm, nhưng mà những chỗ sai lầm ấy phần nhiều ở cuốn thứ nhất. Từ cuốn thứ hai trở đi, hầu hết dịch theo sách Tàu không bị sai lầm mấy nỗi. Nếu đem công mà trừ với tội, thì nó vẫn là có công với nền văn học nước nhà. Có lẽ thứ sách ghi lại học thuật tư tưởng đời cổ của mình ngoài này cũng khó mà mong có bộ thứ hai.
Thật thế, ngày nay các ông Tây học phần nhiều chán ghét Nho giáo, không chịu để ý đến nó. Còn phái Hán học, ngoài ông Phan Khôi, thì có ông Huỳnh Thúc Kháng may đủ tư cách làm được sách ấy. Nhưng vì cớ gì chưa rõ, cả hai ông này hình như để cho cái học của mình theo mình xuống cõi trăm năm, đến nay vẫn chưa ai đả động đến việc làm sách vở. Như thế, còn ai là người soạn lại sách "Nho giáo" nữa?
Vì thế chúng ta cần phải coi trọng bộ "Nho giáo" hiện đương có này, không nên vì những chỗ sai lầm mà ruồng bỏ tất cả toàn thể của nó.
Một điều cần nói thêm là: Trong việc phê bình, đáng lẽ phải nói tất cả chỗ hay chỗ dở. Nhưng, ở cuốn "Nho giáo" cái hay chỉ là những chỗ nhằm đúng, không có gì lạ. Với một cuốn sách chuyên về khảo cứu sự nhằm đúng tức là phận sự của tác giả, không phải là việc cần nên ca tụng.
Vậy trong tập phê bình này, xin miễn nói đến chỗ hay của "Nho giáo" và những chỗ sai lầm mà ngày trước ông Phan Khôi đã chỉ ra rồi. Từ đoạn sau trở xuống, tôi chỉ nên ra ít điều khuyết điểm của nó mà thôi.
[..]
Trích chương I: Tại sao bây giờ tôi mới nói đến sách này?
Ngô Tất Tố