Muốn xây dựng một ngôi nhà, không phải chỉ cần gom-góp được nhiều gỗ, gạch, vôi, cát rồi đem chất bừa-bứa lên mà thành được. Có vật-liệu lại còn phải theo qui-mô, kích-thước mà làm, mà ngôi nhà càng tráng-lệ bao nhiêu, thì cách kiến-trúc lại càng xảo-diệu.
Muốn nói hay viết cho đúng một thứ tiếng, ta phải theo những qui-tắc, những mẹo-luật nhất-định, hoặc những lối dùng riêng do thói quen truyền lại. Những mẹo luật ấy chính là văn-phạm của một tiếng nói.
Hiểu rõ được văn-phạm của một thứ ngôn-ngữ không phải là việc dễ, hiểu văn-phạm của tiếng Việt-Nam lại là một việc khó nữa. Nếu văn-phạm là một môn học khó thì phân-tích về văn phạm cũng không phải là một việc dễ, vì muốn phân-tích, cần phải nhận định cho xác-đáng những tự-loại, những yếu-tố trong câu, để chỉ định rõ ràng công-dụng của những tự-loại hay những yếu-tố ấy.
Dạy về phân-tích tiếng Việt là tất cả một sự ngại-ngùng, như nhiều nhà sư-phạm đã nhận thấy. Nên soạn xong cuốn sách nhỏ mọn này, tôi tự thấy đã làm một việc táo bạo, quá mực khả-năng ti-tiểu của tôi.
Nhưng, trong giai-đoạn này-do sự biến chuyển của việc thiên-hạ đưa đến-mà dân Việt-Nam được thoát cái nhục mang danh học mượn tiếng người, mà tiếng Việt lại được dùng làm chuyển-ngữ dạy ở học-đường, tôi nhận thấy không thể thờ-ơ mãi với tiếng mẹ đẻ, tôi nhận thấy người Việt-Nam phải có trách-nhiệm chung là bồi-bổ cho văn-học của đất nước, bởi văn-học là nền tảng của sự tiến-hóa của dân-tộc. Sự nhận-định đó đã khiến lòng tôi sốt-sắng muốn góp một quệt vữa, một viên gạch vụn vào công-cuộc xây dựng nền văn học Việt-Nam, một công-cuộc lớn-lao mà Chính-phủ đã làm và đang làm.
Vậy tôi không quản-ngại sự hổ-thẹn ở chỗ hiểu biết thiển-cận của tôi để cho ra cuốn sách này; tôi mong các bậc cao-minh trác-kiến sẽ bổ-khuyết cho, thì tôi rất được cảm-tạ.
Trích vài lời nói đầu
Để kỷ-niệm những ngày mới hồi-cư,
viết tại Hà-nội, tháng chín năm 1950.
Hậu-Năng Phạm Tất Đắc.