CUỐN “NHÀN TRUNG VỊNH CỔ VỊNH SỬ GIÁP ẤT TẬP” theo tài liệu trong cuốn "Việt Điện kỳ văn" chép bằng tay cho thấy :
Khởi thủy do vị thám Hoa trào Lê mạt là Phạm Thụy (Thoại) biệt hiệu Thạch Động cư sĩ, tự Vỷ Khiêm trước tác.
Bản di cảo di truyền đến đời Nguyễn sơ (cũng đã bị tam sao thất bản) thì được hai vị Tiến sĩ triều Nguyễn là Đức Đạt và Song Quỳnh lựa chọn lấy những bài còn đủ nguyên cảo và sáng tác thêm, nguyên tác của vị nào đều có ghi chú rõ rành ngay bên cạnh.
Theo tài liệu trong «Việt Điện kỳ văn» thì tiểu sử của Phạm công thấy ghi như sau:
Ông là bạn song và đồng khoa với quan Thị lang Vũ-Trần-Thiệu.
Vũ-Trần-Thiệu bị chúa Trịnh Sâm ép mang biểu sang tâu với nhà Thanh, trong biểu trình bầy: “Con cháu nhà Lê không còn ai xứng đáng làm vua, xin cho họ Trịnh được thay nhà Lê làm vua nước Nam”...
Sang đến Động đình hồ, Vũ-Trần-Thiệu đốt tờ biểu của Chúa Trịnh, rồi uống thuốc độc tự tử.
Mấy tên nội giám theo sứ bộ đem việc về tâu với Trịnh-Sâm. Trịnh-Sâm biết sĩ phu còn mến trọng nhà Lê nên đành im việc “Cầu phong” không nhắc đến nữa.
Phạm Thụy thấy chúa có tà tâm thoán nghịch, mà trong Triều đầy rẫy bọn đại thần chỉ biết chúa chứ không biết vua, dù bạn mình có vì Lê Hoàng mà đốt chiếu biểu nhưng biết đâu một ngày kia chúa Trịnh lại không viết tờ biểu khác, mà rồi có khi mình phải lãnh sứ mạng làm sứ giả...
Nhất là nạn kiêu binh lúc đó đã manh nha, các quan đại thần bị bọn kiêu binh coi thường, có nhiều vị quan to trong triều thấy bọn kiêu binh được Chúa tin cậy đâm ra nịnh bợ bọn chúng để cầu quan cầu tước, hoặc dùng chúng làm vây cánh để mong áp đảo các người không thuộc phe cánh.
Thấy cảnh triều cương nát bấy, binh lính kiêu sa, chúa hoang dâm vô đạo, ông bèn xin từ chức về dạy học ở vùng Thạch-Thất (thuộc tỉnh Sơn Tây) và lấy biệt hiệu là Thạch Động cư sĩ. Tương truyền chỗ ông ngồi dạy học, không hề trưng bày đối trướng nói về khoa cử, phẩm tước như các vị hưu quan khác, đặc biệt ông chỉ dùng đôi câu đối ý nghĩa rất mộc mạc như sau :
Nhất đẳng nhân trung thần hiếu tử
Lưỡng kiện sự đọc thư canh điền
Tạm dịch :
Một loạt người: tôi trung con hiếu
Hai công việc: đọc sách cầy nương
Trong những thì giờ nhàn rỗi, ông làm thơ vịnh sử để gởi gắm tâm sự mình hoặc để dùng ngòi bút của mình làm ngọn bút biên soạn kinh Xuân của Khổng Phu tử.
[…]
Trích "Thay lời tựa" - Giáp Ất tập
Sài Gòn, ngày thượng tuần tháng mạnh thu
năm Canh Tuất (1970)
LƯU-MINH-TÂM
bút hiệu Hải âu tử