Châu bản triều Nguyễn là những văn bản hành chính do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương dưới triều Nguyễn soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về đối nội, đối ngoại.
Bút tích của các vị vua triều Nguyễn để lại trên Châu bản đã song hành với lịch sử 143 năm của triều Nguyễn (1802 – 1945). Đây được coi như một “bộ sưu tập thư pháp thảo thư” – một trong những đặc trưng độc đáo về tính xác thực của Châu bản, bởi do chính các hoàng đế triều Nguyễn phê duyệt trực tiếp trên văn bản với những nét chữ hành thảo khoáng đạt, đạt đến tính thẩm mĩ cao trong lối thể hiện thư pháp của người xưa.
Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn giới thiệu đến độc giả những hình thức ngự phê của các vua triều Nguyễn, góp phần cung cấp thêm thông tin về tư tưởng chỉ đạo của các hoàng đế thời kì đó, cũng như cách thức phê duyệt văn bản trong chế độ văn thư triều Nguyễn. Sách bao gồm 181 phiên bản tiêu biểu được lựa chọn từ 773 tập Châu bản gốc để giới thiệu với độc giả các hình thức ngự phê phong phú, độc đáo trên văn bản hành chính của mười trong số mười ba vị vua triều Nguyễn. Nội dung các văn bản phản ánh về mọi mặt của xã hội Việt Nam (1802 – 1945), đặc biệt vào giai đoạn triều Nguyễn còn là một vương triều độc lập (1802 – 1884). Từ năm 1884 đến năm 1945, nhà Nguyễn mất thực quyền và Việt Nam rơi vào vòng đô hộ của thực dân Pháp. Bởi vậy, ngự phê của các vua nhà Nguyễn trên Châu bản trong giai đoạn này không phong phú, đa dạng về hình thức và nội dung như các đời vua trước.
Bố cục cuốn sách được chia làm ba phần: