Donna Ellis là giảng viên về làm vườn, nhà thiết kế sân vườn cũng như chuyên gia về vấn đề làm vườn bền vững. Bà giảng dạy tại Viện Giáo Dục Kỹ thuật và Sau Đại Học (TAFE) và cộng tác với tổ chức Sustainable Gardening Australia (Làm vườn bền vững Úc) và tổ chức Greening Australia (Xanh hóa nước Úc)
Với cuốn sách “Làm vườn bền vững For Dummies” , Donna Ellis mang đến cho độc giả những phương pháp phân tích đất trồng và giải quyết các vấn đề về đất trồng, đồng thời là những công thức xác định dung tích phù hợp cho bồn chứa nước. Ngoài ra độc giả còn có thể tìm hiểu những cách thức để giữ cho cây trồng khỏe mạnh mà không cần sử dụng hóa chất, những vật liệu nên và không nên dùng làm phân ủ. Cuối cùng là những cách thức tuyệt vời để trồng rau, cây ăn quả và những ý tưởng hay cho việc trồng cây trong không gian nhỏ.
Nếu đã nghe nói đến những vấn đề sức khỏe của hành tinh chúng ta, có lẽ bạn đã từng nghe về khái niệm bền vững. Giờ đây, nhờ vào “Làm vườn bền vững For Dummies” bạn có thể hoàn toàn áp dụng những nguyên lý ấy cho mảng sau vườn nhà mình. Hãy cùng “Làm vườn bền vững For Dummies” tìm hiểu những kỹ thuật thật tuyệt vời và lên ngay kế hoạch cho khu vườn bền vững, nơi mà cây cối và chính bạn có thể sống vui khỏe và lành mạnh.
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
“Tôi chỉ có một khoảnh sân bé xíu thế thì chắc chắn chẳng làm được trò trống gì”. Nếu cứ mỗi lần nghe thấy câu này mà tôi được 1 đô-la thì giờ hẳn tôi đã là triệu phú! Tất nhiên là bạn có thể thay đổi chứ. Làm vườn bền vững ở bất kỳ quy mô nào đều góp phần tạo ra sự lành mạnh không chỉ cho mảnh sân nhà bạn, cho khu vực bạn sống, cho đất nước bạn mà còn cho cả hành tinh này. Dù “vườn” của bạn là một chậu thảo mộc trên bậu cửa sổ bếp hay cả một khoảng đất rộng, bạn đều có thể tạo nên sự thay đổi.
Về cơ bản, đa dạng sinh học xoay quanh nỗ lực tập hợp thật nhiều loài sinh vật sống lành mạnh trong khu vườn nhằm tạo ra sự hài hòa và cân bằng. Sinh vật sống không chỉ là thực vật mà còn là động vật, côn trùng, thằn lằn, ếch, chim và bướm – cho đến những vi sinh vật sống trong đất. Mỗi loài đều có một vai trò quan trọng và tương liên trong việc duy trì sức khỏe và sự sống của hành tinh…. Bạn có thể nghĩ mảnh sân sau của bạn quá nhỏ để tạo ra sự thay đổi trên quy mô toàn cầu, nhưng dù đóng góp của bạn tưởng chừng bé nhỏ đến đâu thì chúng vẫn hữu ích.
Chỉ cần một mảnh đất màu mỡ, dễ thoát nước và giữ ẩm tốt, và sử dụng nó thật khôn ngoan, thì kể cả có phải tưới bạn cũng không cần tưới quá thường xuyên. Cho đến nay, đây là cách tốt nhất, hiệu quả và bền vững nhất nhằm đảm bảo tận dụng tối đa từng giọt nước bạn có. Hãy tìm hiểu về lượng mưa ở nơi bạn sống, liệu khu vườn của bạn có thể chỉ cần sống bằng khí trời? Bền vững tức là tận dụng tối đa những gì bạn có và bảo tồn mọi tài nguyên thiên nhiên quý giá của Trái Đất.
Lượng nước bạn cho là cần và lượng nước cần thiết thực tế rất có thể khá chênh lệch. Hãy suy nghĩ về thời điểm và tần suất tưới.
Nên tưới vào buổi sáng khi trời còn mát hơn là tưới vào những lúc nóng nực trong ngày. Lúc này mặt trời chưa lên cao, gió cũng thường nhẹ hơn. Nếu tưới cây vào buổi tối, sẽ không có đủ thời gian để nước thoát, hết khiến cây có thể bị nhiễm nấm nghiêm trọng. Trước khi bạn đi lấy vòi tưới, cần đào sâu xuống đất để xem ở bên dưới có thực sự ẩm không. Có thể bạn đang tưới nước theo thói quen chứ không theo nhu cầu thực sự của mảnh vườn.
Chỉ tưới nước cho những thứ sinh trưởng – tức là đừng tưới lên đường đi, đường lái xe và các bức tường. Nếu bạn sử dụng hệ thống tưới tiêu, cần đảm bảo nước được đưa đến đúng chỗ. Nếu có thể, hãy điều chỉnh các đầu phun để nước chảy thành giọt lớn chứ không phải một màn sương mịn dễ bốc hơi hay bị thổi bay.
Những lợi ích to lớn của việc sử dụng bồn chứa và tích trữ thật nhiều nước mưa: