Na-Tiên-Tỳ-Kheo-Kinh là một bộ kinh phản ảnh đầy đủ những đường nét chính yếu của Giáo-lý Nguyên-Thủy. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì kinh nầy chỉ là một bản trùng-tuyên vô vị, không đáng được có một địa-vị trong Tam-tạng Thánh-giáo.
Đặc sắc của kinh nầy dĩ nhiên không phải ở chỗ trùng-tuyên vô bổ ấy. Đặc sắc của nó là chính ở những ví-dụ rất khế-lý và khế-cơ mà Ngài Na-Tiên đã khéo xử dụng để làm sáng tỏ các chủ-điểm giáo-lý căn bản của Phật-Giáo Nguyên-Thủy. Các ví-dụ rất linh động ấy là hoàn toàn do ngài sáng chế để đóng góp vào Chánh-Pháp và thúc đẩy bánh xe Chánh-Pháp chuyển mau thêm.
[...]
Vì nội dung kinh nầy là một lợi-khí truyền bá Phật-giáo rất mạnh, nên không bao lâu sau, lan rất nhanh sang vùng lưu-vực sông Hằng rồi từ đó tràn lan khắp Ấn-Độ, cho đến Tích-Lan. Do đó mà tuy nội-dung vốn một, nhưng kỷ-thuật kiết-tập thì lại mỗi địa phương một khác. Các bản kiết-tập tại lưu-vực sông Hằng về sau thành kinh Milindapanha (Di-Lan-Đà vấn kinh), được truyền bá sang Tích-Lan và các nước Nam-Phương Phật-giáo. Các bản kiết-tập tại Tây-bắc Ấn -Độ thì được truyền bá lên Trung Á, rồi sang Trung Hoa và Tây-Tạng, mệnh danh là Na-Tiên-Tỳ-Kheo-Kinh.
Trích Lời giới thiệu
Hòa thượng Thích Trí Thủ