Hiện nay, Jean-Paul Sartre chắc chắn là nhà văn, nhà viết kịch, nhà triết học Pháp nổi danh nhất thế giới. Mọi người đều biết ông được trao tặng giải Nobel văn chương năm 1964 nhưng ông đã từ khước. Nhân dịp đó, các nhà phê bình và các ký giả đã đưa ra những giả thuyết kỳ quặc nhất: lòng khinh bỉ của một nhà đạo đức quý tộc, sự toan tính khéo léo của một con buôn, vân vân. Tuy nhiên, chỉ cần có một kiến thức sơ đẳng về tư tưởng đích thực của Sartre là ta có thể giải thích được thái độ của ông: ông chỉ muốn từ chối một nhãn hiệu, một triều thiên vinh quang, một pho tượng mà người ta muốn dựng lên cho ông. Sartre đã không muốn để cho mình bị dán nhãn, bị khách quan hóa, bị quy định một lần rồi thôi hẳn. Theo ông, cá nhân đích thực là chủ thể ý thức, tự lựa chọn mình ở mỗi giây phút, mỗi một khoảnh khắc: tôi cho người nghèo khó một quan hay tôi quay mặt đi; tôi về hùa với chủ nghĩa thực dân, hoặc tôi bênh vực những dân tộc bị áp bức. (Ta biết rằng Sartre đã đứng về phe những người nổi dậy trong cuộc chiến tranh Algérie). Hơn nữa, trong một trận chiến, luôn luôn ta có thể bỏ phe này nhẩy sang một phe khác, và do đấy ta thể hiện được kinh nghiệm về sự tự do lựa chọn chính mình -- trong khi đó, nếu chịu nhận giải Nobel, giải thưởng ấy sẽ suốt đời đè nặng lên hai vai anh, như thể một bộ đồng phục mà ai cũng trông thấy cả.
Như thế, Sartre đã từ chối giải Nobel chỉ vì lý do độc nhất là ông tin tưởng vào một hình thức nào đó của tự do, thứ tài sản vô giá mà ông thiết tha gìn giữ. Lối giải thích thái độ của Sartre trên đây cho ta thấy sự từ khước của ông là một hành vi không làm vinh dự cũng chẳng làm tổn hại đến ông. Đấy là một giải thích hợp lý, đưa ngay ta vào sự lĩnh hội tư tưởng Sartre. Lối giải thích ấy rất khác biệt với tinh thần của các nhà báo khi họ phô diễn sự từ chối đó bằng cách mời ta bêu rếu hay ngưỡng mộ đó. Nhưng lạ lùng thay, tính chất khách quan ấy trong một chừng mực nào đó cũng làm ta xa cách với chính Sartre, vốn là người không ưa thích động từ "hiểu", "thông cảm". Ông thích dùng động từ "chọn lựa", "quyết tuyển" và triết học của ông xây nền trên động từ đó.
Trích Chương I