LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC ĐẠT-LAI-LẠT-MA THỨ 14
Hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua kể từ khi bậc Đạo Sư từ bi của chúng ta, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giảng dạy ở Ấn độ. Ngài đưa ra lời khuyên cho những ai quan tâm, mời họ lắng nghe, suy nghĩ, và quan sát với óc phê phán những gì Ngài nói. Ngài đã thuyết giảng cho nhiều cá nhân cũng như đoàn thể khác nhau trong hơn bốn mươi năm.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, việc ghi nhận những lời giảng dạy của Ngài được duy trì theo hệ thống truyền khẩu. Những vị đã được nghe lời giảng dạy thường gặp nhau theo định kỷ với những vị đồng phạm hạnh khác để đọc tụng lại những gì họ đã nghe và học thuộc lòng. Theo thời gian, những lần đọc tụng thuộc lòng ấy được viết xuống thành văn tự, đặt nền móng cho tất cả nền văn họcPhật gíáo sau đó. Kinh Tạng Pali là một trong những văn kiện đầu tiên của các kinh văn được ghi lại bằng chữ viết và là những văn bản hoàn chỉnh duy nhất còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Trong Kinh Tạng Pali, những kinh văn được biết như là các bộ kinh Nikaya có giá trị đặc biệt như là một tập hợp có mạch lạc những lời dạy của Đức Phật bằng chính lời nói của Ngài. Những bài thuyết giảng ấy bao quát nhiều đề tài rộng lớn khác nhau; không những ngài nói đến vấn đề xuất gia và giải thoát, mà còn giảng về mối quan hệ đúng đắn giữa vợ chổng, viêc quản lý gia đình,và những phương cách để cai trị đất nước. Những bài kinh ấy giải thích con đường phát triển tu tập – từ bố thí và trì giới, đến rèn luyện tâm và đạt được trí tuệ, tất cả hướng đến chứng đắc giác ngộ giải thoát.
Những lời thuyết giảng từ các bộ kinh Nikaya được tuyển chọn trong sách này cung cấp nhiều hiểu biết thật hấp dẫn về phương cách những giáo lý của Đức Phật được bảo tồn, học hỏi và hiểu biếttrong thời kỳ đầu tiên của quá trình phát triển Phật giáo. Các độc giả hiện đại sẽ tìm thấy những giáo lýnày có giá trị đặc biệt tái tạo sức sống mới cũng như làm sáng tỏ hiểu biết của họ về nhiều điểm giáo lýcơ bản của Phật giáo. Rõ ràng là thông điệp chính yếu của Đức Phật về lòng từ bi, trách nhiệm đạo đức, an tịnh tâm thức và óc phán đoán đúng đắn, vẫn có giá trị trong thời đại này cũng như hơn hai ngàn năm trăm năm về trước.
Mặc dù Phật giáo được truyền bá và định hình tại nhiều phần đất của Châu Á, phát triển thành nhiều truyền thống khác nhau tùy theo không gian và hoàn cảnh, trong quá khứ khoảng cách địa lý và những khác biệt về ngôn ngữ đã làm giới hạn việc trao đổi thông tin. Một trong những kết quả của tiến bộ hiện đại trong lãnh vực liên lạc và truyền thông mà tôi cảm kích nhất là những cơ hội rộng lớn mở ra cho những người quan tâm đến Phật giáo, giờ đây họ có thể làm quen với toàn bộ đầy đủ giáo lý và phương pháp tu tập Phật giáo. Điều tôi cảm thấy đặc biệt khích lệ là cuốn sách này trình bày thật rõ ràng nhiều điểm giống nhau rất cơ bản giữa tất cả các tông phái Phật giáo.
Tôi xin chúc mừng Tỷ-kheo Bodhi về tác phẩm này với công trình tuyển chọn và dịch thuật rất cẩn trọng của ngài. Tôi cầu nguyện độc giả sẽ tìm được lời hướng dẫn – và nguồn cảm hứng để thực hành – có thể đem lại cho họ niềm an tịnh nội tâm, mà tôi tin tưởng rất cần thiết để tạo một thế giới an bình và hạnh phúc hơn.
Ngày 10 tháng Năm, 2005
Ngài Tenzin Gyatso, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ 14