DỊCH thuật là việc từ trước đến nay ai cũng công nhận là khó. Khó nhất là phiên dịch những thơ phú chữ Hán viết theo thể cổ, câu nào cũng chứa đựng một vài điển cố và những chữ xa lạ, lời văn cổ kính mà trúc trắc, như những bài ca bài phú trong bộ Hoàng-Việt Văn-Tuyển thì phần phiên âm cũng đã mất nhiều thì giờ để tìm những chữ lạ trong các bộ Từ-Hải, Từ-Nguyên v.v… huống chi là phần điển cố. Điển cố mà tìm không ra, thì sao hiểu được ý nghĩa mà dịch cho khỏi sai lầm.
Bởi thế nên đối với bộ Hoàng-Việt Văn-Tuyển là những áng văn của các vị tiền nho đời Lý đời Trần và đời Lê soạn thảo. Mà việc phiên dịch ra quốc-văn thì trước đây hơn nửa thế-kỷ là thời phong trào dịch thuật được thịnh hành nhất. Các dịch-giả đại tài lúc ấy đã từng dịch hết các bộ Đông-Chu Tam-Quốc, Đông-Chinh, Tây-Du, và biết bao tiểu thuyết Kiếm-hiệp. Mà riêng bộ Văn-Tuyển, thì các vị ấy chỉ trích lấy 3, 4 trong hàng mấy trăm bài để dịch chơi, không cần dịch sát chữ sát nghĩa và không chú thích điển cố, có bài lại không ghi tên dịch-giả? Tức như bài phú “Ngọc-Tỉnh-Liên” trong sách Văn-Đàn Bảo-Giám.
Theo phương pháp dịch thuật trên, đối với người đọc nguyên văn chữ Hán thì không kể. Nhưng đối với người chỉ đọc bản dịch văn, thì sao hiểu được tầm học vấn và tài ba của các vị văn hào chúng ta ngày trước, và nền văn-hóa của các triều đại xưa khác nhau như thế nào, để xác định văn-học sử của từng triều đại.
Gần đây, Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc-Trách Văn-Hóa do Mai Thọ-Truyền Tiên-Sinh đứng ra điều khiển, vì muốn bảo tồn và phát huy nền văn-hiến cổ của nước nhà, nên đã cho thành-lập một Ủy-Ban-Dịch-Thuật, gồm có các Tiểu-Ban Quốc-Âm, Sử -Địa, Văn-Chương và Triết-Học, hoạch định ra chương trình và phương pháp dịch thuật, để phiên dịch hết thảy các tác phẩm bằng chữ Hán do các bậc tiền nho nước nhà soạn thảo ngày xưa.
Tôi tự nhận thấy, vốn liếng cổ học của mình chẳng được là bao, cả tài thi văn cũng thế, chỉ vì tòng sự trong ngành văn hóa trải mấy chục năm, lại chuyên về môn dịch- thuật, nên được trao cho chức vụ Trưởng-Tiểu-Ban Văn-Chương. Danh dẫu nhỏ (Tiểu), nhưng phần nhiệm vụ quả thực lớn lao.
Bởi vì phải giữ trách nhiệm liên lạc thường xuyên với các dịch-giả trong ban để phiên dịch những thơ phú cổ, là những món hàng mà dịch-giả xưa đã ngán, huống chi ngày nay.
Nhưng đối với văn-chương tâm sự của các vị tiền nho nước nhà, và chương trình xây dựng nền văn-hóa của Phủ Quốc-Vụ-Khanh, nên tôi phải nhận lãnh bộ Hoàng-Việt Văn-Tuyển, để cùng các dịch-giả trong ban chia nhau phiên dịch, và tham khảo bổ khuyết cho nhau, để diễn tả được phần nào ý nghĩa của văn chương thời trước.
Trái lại, nếu diễn sai ý nghĩa để cho hậu thế hoài nghi rằng: văn của các vị tiền nho chúng ta cũng chẳng có gì xuất sắc, thì chẳng những đắc tội với tiền hiền, mà lại phụ tấm nhiệt thành của vị lãnh đạo nền văn-hóa của nước nhà ngày nay, thì cái lỗi ấy cũng không nhỏ vậy.
Trích Lời nói đầu
Tô-Nam NGUYỄN ĐÌNH DIỆM