Mấy chục năm qua, trong quá trình sưu tập các tài liệu liên quan đến 2 cuộc kháng chiến chóng thực dân pháp và đế quốc mỹ của dân tộc, gồm tài liệu cả ở phía bên ta và cả của những người ở phía bên kia, chúng tôi may mắn có được hơn 100 bức thư tay viết bằng tiếng Pháp gửi cựu hoàng Bảo Đại. Hầu hết trong số này là thư của bà Nam Phương và các con viết ở Pháp, một số ít do người thân của bà viết ở Sài Gòn hoặc từ Pháp gửi đến Hồng Kông (vào những năm 1946, 1947, 1948) hoặc gửi về Việt Nam cho Bảo Đại (vào những năm từ 1949 đến năm 1954). Ngoài ra còn một số tờ trình hoặc văn bản bằng chữ quốc ngữ được thực hiện ở việt nam cũng trong thời gian trên, cùng với hơn 100 bức ảnh ghi lại những hoạt động của cựu hoàng, các nhân vật liên quan và thuộc cấp của ông trong những năm từ 1949 đến 1953
Trong cuốn sách này, chúng tôi chủ yếu công bố các bản dịch những bức thư viết tay bằng tiếng Pháp của Hoàng hậu Nam Phương, bà Charles - mẹ nuôi cựu hoàng Bảo Đại, bà Agnès - chị ruột bà Nam Phương, có một bức thư viết bằng chữ quốc ngữ của bà Từ Cung và hai bức thư cũng viết bằng chữ quốc ngữ nhưng không ghi tên người gửi... tất cả đều gửi cho cựu hoàng Bảo Đại...
Sách được chia làm 3 phần: Phần Mở đầu và Phần Hai là các bản dịch những bức thư được sắp xếp liền mạch theo trình tự thời gian, đánh số thứ tự từ 01, 02, 03… cho đến bức thư cuối, tiếp theo là Phần Ba gồm những ảnh chụp bản gốc của một số bức thư trong toàn bộ số thư mà tác giả sưu tầm được và hiện đang lưu giữ.
Về Nam Phương hoàng hậu
Bà sinh năm 1913 tại Gò Công, Tiền Giang, trong một gia đình cả hai bên dòng họ nội ngoại đều là những đại điền chủ giàu có bậc nhất xứ Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Ông ngoại thường gọi là Huyện Sĩ (1841 - 1900) quê ở Long An, mang quốc tịch Pháp, gia đình theo Thiên Chúa giáo. Khi còn trẻ, ông theo học tại một trường dòng lớn ở Malaysia. Vì kiêng tên húy của thầy dạy mình cũng là “Sĩ” nên ông đổi tên thành Lê Phát Đạt - Phillipe Lê Phát Đạt. Vốn rất giỏi tiếng Pháp, Hoa, Latinh nên sau này khi trở về nước, ông được tuyển bổ làm thông ngôn. Do mạnh dạn và đi tiên phong trong việc mua bán điền địa công thổ, mở mang trồng trọt nên ông sớm trở nên giàu có, rồi trở thành Ủy viên Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Ông được phong hàm “Huyện” nên mọi người thường gọi ông là Huyện Sĩ.
Vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài (1845 - 1920) cũng theo đạo Thiên Chúa. Ông bà sinh được 4 người con trai, trong đó con trai trưởng là Denis Lê Phát An sinh năm 1869 (sau được vua Bảo Đại phong tước An Định vương), một con gái là Marie Lê Thị Bình sinh năm 1877 (?).
Vốn giàu có và sùng đạo nên ông bà Huyện Sĩ mua đất, xây dựng một thánh đường tại vùng Chợ Đũi - Sài Gòn. Việc xây dựng diễn ra vào năm 1902 (khi đó ông Huyện Sĩ đã mất được hai năm) đến năm 1905 công trình hoàn thành. Bà Huyện Sĩ mất vào năm 1920, thi hài của hai ông bà được con cháu và giáo dân an táng bên trong thánh đường này. Từ khi hình thành cho đến nay, địa danh này đều được các tài liệu địa chí gọi là Nhà thờ Huyện Sĩ, hiện tọa lạc tại đường Tôn Thất Tùng, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Marie Lê Thị Bình kết hôn với một điền chủ khác người Gò Công, có quốc tịch Pháp, cũng theo đạo Thiên Chúa là Pierre Nguyễn Hữu Hào (sau này được Bảo Đại phong tước Long Mỹ Quận công). Năm 1903 bà hạ sinh con gái đầu lòng là Marie Agnès Nguyễn Hữu Hào, mười năm sau, tức năm 1913 sinh Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào – người sau này trở thành Nam Phương hoàng hậu. Bà Nam Phương còn có tên Việt Nam là Nguyễn Hữu Thị Lan và được đặt tên thánh là Marie Thérèse.
Thuở nhỏ, Marie Thérèse sống với cha mẹ và người chị gái tại biệt thự Montjoye, số 37 đường Taberd, Sài Gòn, nay là số 107 đường Nguyễn Du, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1926, được gia đình cho du học Pháp, tại trường Dòng Couvent des Oiceaux - một trường danh tiếng bậc nhất ở Paris - do các nữ tu giảng dạy.
Năm 1932, tốt nghiệp Tú tài và trở về nước.
Một số tài liệu cho biết gần một năm sau, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Pasquier và vợ chồng Khâm sứ Trung Kỳ là Jean François Charles đã dàn xếp để vua Bảo Đại gặp gỡ cô Jeanne Mariette trong một bữa tiệc tại dinh thự riêng ở Đà Lạt - nơi mà hai bên họ hàng nội ngoại của cô cũng có biệt thự riêng...
Ngày 20. 3. 1934, Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan được tiến cung vào ở tại điện Kiến Trung trong Cấm thành của Kinh đô Huế mà không phải cải đạo. Đến ngày 24. 3, bà được vua Bảo Đại phong là Nam Phương hoàng hậu.
Nam Phương hoàng hậu sinh được năm người con:
Ngày 19. 8. 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội. Chiều ngày 30 tháng Tám, tại Ngọ môn, Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời. Chiều hôm sau, cựu hoàng Bảo Đại, bà Nam Phương và các con cùng với thân mẫu của cựu hoàng là nguyên Hoàng thái hậu Từ Cung dọn về ở trong cung An Định, bên ngoài Cẩm thành. Sau khi hoàn tất bàn giao một số công việc với đại diện chính quyền Cách mang thì hôm sau nữa cựu hoàng nhận được điện tín của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho Chính phủ.
Sáng sớm ngày 02. 9. 1945, bà Nam Phương và các con tiễn chân ông ra Bắc.
Năm 1947, bà Nam Phương cùng các con rời Việt Nam sang Pháp.