Sách có ba phần: trước hết nhắc lại một quan niệm sai lầm của người Tây phương về hát bội, quan niệm sai lầm ấy do vài tác giả mà có - đính chánh cách gọi tên, hát bội hay hát bộ. Thứ đến, sẽ khảo nguồn gốc hát bội, cuộc tiến triển của hát bội, cách tổ chức, bố trí của môn hát bội, dẫn về những tượng thờ của con hát, nói về giàn nhạc, y quan, lối vẽ mặt, các giọng hát, văn chương trong tuồng hát, kỹ thuật và một số tuồng hát, cũng sẽ bàn qua về tương lai hát bội. Đó là phần thứ nhứt. Ở phần thứ hai dịch ra Pháp văn một tuồng cổ (Bá Ấp Khảo), một tuồng thầy (San Hậu), lại có nhiều phụ bản mặt hát bội, in màu, phụ bản trình vài giọng hát và những nhạc cụ hát bội.
Tác giả chú thích nhiều danh từ hay cách nói bóng gió lạ tai độc giả nước ngoài.
Sách tập trung tài liệu góp nhặt đó đây trong những cuộc đàm đạo cùng người làu thông hát bội. Dầu sao, không thể không có khuyết điểm hoặc sai lầm, sẽ làm cho nhiều người cau mày nhăn mặt.
Tôi ngỏ lời thành thật tri ân các bực đàn anh đã vì văn hóa nghệ thuật cầm ngọn đuốc tài ba rọi sáng đường tôi, như các ông Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy, Thân Văn Nguyễn Văn Quí, đốc phủ sứ Lê Thành Long. Cũng không quên và đa tạ giáo sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã mất thì giờ ghi nốt nhạc dùm tôi.
Có sự ủng hộ tinh thần đó nên tôi mới bạo gan, không lượng sức mình, viết sách này, cốt ghi lại dấu tích một nền văn hóa đã từng làm rạng mặt tổ tiên mà lượn sóng thác loạn tân thời lăm le hạ bệ.
Tác giả mong sự khoan hồng của mọi người.
(Trích dẫn trong phần TỰ NGÔN của Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng)