Các Giáo Phụ hay Giáo Phụ tiên khởi là những tác gia và nhà thần học Kitô giáo thời sơ khởi có ảnh hưởng sâu rộng, đã thiết lập nền tảng trí thức và giáo lý của Kitô giáo.
“Giáo phụ học” (Patrologie, Patris- tique) là khoa nghiên cứu về các “Giáo Phụ” (Pères de l'Église), thế nhưng trong thực tế nó bao trùm tất cả văn chương Kitô giáo của những thế kỷ đầu, kể cả những tác phẩm vô danh, bên lề, thậm chí cả những tác phẩm phi chính thống: nghĩa là mọi tư liệu văn chương thuộc Giáo hội cổ thời. Thời kỳ các Giáo Phụ kéo dài từ hậu bán thế kỷ I thuộc kỷ nguyên này (những tác phẩm “Giáo Phụ” đầu tiên xuất hiện cùng thời với một phần các tác phẩm Tân Ước) tới thế kỷ VI bên Tây phương và thế kỷ VIII bên Đông phương.
Giáo phụ tập 1 nhằm mục đích dẫn nhập đơn giản về các Giáo phụ, đồng thời giới thiệu và bình giải một số bản văn rút tỉa từ công trình hết sức lớn lao của các ngài.
Tập này giới thiệu những nhà tư tưởng tiên phong của Kitô giáo, tiếp theo Tân Ước, khởi từ thế kỷ I đến IV: Ignace d’Antioche, Irénée de Lyon, Athanase d’Alexandrie và Hilaire de Poitiers. Chúng ta sẽ khám phá trong đó những nhà văn và nhà tư tưởng hàng đầu của Kitô giáo cổ thời, trong nỗ lực loan báo sứ điệp Tin Mừng giữa lòng văn hoá, cũng như giữa những khát vọng của thời đại, đồng thời trả lời cho những thách thức nảy sinh từ bên ngoài cũng như bên trong Hội Thánh còn non trẻ. Có thể nói, đây là khám phá cần thiết để có thể hiểu về Kitô giáo trong lịch sử hết sức sống động của nó.
Giáo phụ tập 2 trình bày giai đoạn khởi từ thế kỷ IV đến cuối thế kỷ VIII. Trước hết là những nhân vật chính của thời vàng son: Basile de Césarée, Grégoire de Nazianze, Grégoire de Nysse, Jean Chrysostome, Ephrem le Syrien, Ambroise, Jérôme và Augustin. Đa số họ xuất thân từ môi trường văn hoá rất cao, các tác giả này ghi dấu ấn sâu xa lên thời đại của họ, và các tác phẩm của các ngài vẫn rất hiện đại đối với chúng ta. Tiếp sau là các văn sĩ Kitô giáo của ba thế kỷ cuối, từ năm 450 đến năm 750: từ Cyrille d’Alexandrie cho tới Jean Damascène, trong đó có các tác giả như Théodoret, Denys l’Aéropagite, Maxime le Confesseur hay Grégoire Cả. Các tác giả này thường trích dẫn cũng như nại tới các “thánh Phụ” đi trước, những người bảo đảm cho truyền thống cũng như đức tin chính thống, nhưng cũng nhờ họ mà một đàng giáo lý Kitô giáo cũng như các thuật ngữ sử dụng ngày càng tinh tế hơn và đàng khác mở ra những chân trời mới cho suy tư thần học. Các tài liệu được trích dẫn trong tập này có thể nói là một văn tuyển độc đáo, đôi khi đến mức không ngờ.