Tôi rất vui lòng được giới thiệu tập DUY THỨC HỌC này của Thượng Tọa QUẢNG LIÊN đã có công hệ thống hóa những bài giảng của Thượng Tọa ở Đại Học Văn Khoa Saigon.
Giảng về môn học PHẬT HỌC thì không ai hơn được một nhà Phật giáo chính thức, kiêm thông tư tưởng Đông Tây như Thượng Tọa QUẢNG LIÊN.
Nhất là môn học ấy là môn Triết Học Duy Thức một kết luận không những cho Triết Học Phật Giáo mà cả cho Triết Học Thế Giới hiện đại. Hai chữ "DUY THỨC" như tác giả đã giải thích không phải là một cái (ISME) thêm vào các cái "isme" từ trước đến nay người ta, nhất là Tây Phương, thường biết và lạm dụng cho Triết học. DUY THỨC không phải chỉ là có thức hoặc thức (isme) hay là Conscience (isme). Trái lại với Long Thọ tư tưởng Phật học đã hoàn toàn thoát ly chủ nghĩa độc đoán giáo điều mà đi đến biện chứng phê phán như sau này cách Long Thọ ngót hai ngàn năm, Kant, bên Triết học Tây Phương đã đi đến phê phán. Vậy Duy Thức là biện chứng pháp về chân khổng (SUNYATA), nhằm phá chấp, ngã chấp cũng như pháp chấp chẳng duy vật cũng không duy tâm mà là quá trình thực nghiệm của tinh thần khai phóng cho ý thức đến "vô tâm" như Trần Thái Tông đã biện chứng ở "Khóa Hư Lục"
Tác giả sách "Duy Thức Học" đây chắc hẳn không muốn sinh viên Việt Nam tại Văn Khoa Saigon, đi mãi trên con đường chấp trước, chấp vào cái học "Duy" này, Duy nọ để kéo dài cuộc chém giết "Nồi da nấu thịt" cho nên mới lại đánh lên tiếng chuông duy thức, để cảnh tỉnh vậy.
Chúng tôi cùng với tác giả "Duy Thức Học" sẵn có mối tình Văn Khoa Saigon trước kia, rất hoan nghinh công trình của Thượng Tọa QUẢNG LIÊN nên có mấy lời giới thiệu.
(Trích dẫn trong bài GIỚI THIỆU của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục - Khoa trưởng Đại học Vạn Hạnh - Saigon, ngày 16 tháng 10 năm 1972)