Y học Đông phương dùng âm dương ngũ hành và khí hóa lưu hành làm căn bổn. Y học Tây phương dùng phương pháp khoa học thực nghiệm làm căn bổn. Nên học giả Đông y khéo dung hòa cả hai bên thì y học nước nhà sau này sẽ có cơ phát triển.
Sách này biên rõ bốn phép xem mạch của người thầy thuốc như: xem khí sắc, nghe tiếng nói, hỏi chứng bệnh và chẩn mạch, tóm tắt những chỗ trọng yếu về phép xem mạch trong các sách để làm nấc thang cho người mới vào học thuốc từ chỗ thấp bước lên chỗ cao.
Làm tướng không thông binh pháp không thể thắng nổi bên địch. Thầy thuốc không hiểu tánh chất thuốc thì không thể chữa lành bệnh nên biên tóm tắt tánh chất thuốc cho học giả dễ hiểu dễ nhớ.
Chế biến những phương thuốc hoặc thêm hoặc bớt đều dùng theo phương pháp Quân Thần Tá Sứ để chữa các bệnh nội thương, ngoại cảm và tạp bệnh, tuy tóm tắt mà đầy đủ ý nghĩa.
Sách thuốc biên chép để cho mọi người xem theo đó mà chữa bệnh nên cần phải giải rõ bệnh chứng, biên rành phương thuốc, theo lối văn bình dị cho người xem dễ hiểu, dễ nhớ. Sách này gọi là nhứt luận nhứt trị nghĩa là luận chứng bệnh rành rẽ, thì kê phương thuốc đẻ trị bệnh chớ không bạn luận dông dài, kê nhiều phương thuốc làm cho người mới học rối trí không biết dùng phương nào cho đúng.
Sách này không đề cập khoa thương hàn vì Tổ sư khoa thương hàn là Đức Trương Trọng Cảnh ở đất Trường Sa gần trung tâm nước Tàu cho rằng "Phương Tây Bắc núi cao, bịnh thương hàn rất nhiều, Đông Nam đất nóng bịnh nội thương rất nhiều".
Đức Y Tổ Việt Nam là cụ Hải Thượng Lãn Ông nói nước ta không có bịnh thương hàn, chỉ có bịnh cảm mạo thôi, cho nên không cần Lục kinh hình chứng và thương hàn cổ phương . Thế thì hai cụ, một ở gần giữa nước Tàu, một ở phương Bắc nước Việt đều nhìn nhận không có bịnh thương hàn huống chi xứ ta ở phía cực Nam nước Việt thì đâu có bịnh thương hàn.
(Trích dẫn trong LỜI NÓI ĐẦU của Đỗ Phong Thuần, ngày 4 tháng 5 năm Nhâm Thìn 1953)