Thơ văn của ta ngày trước, cũng như của Tàu, có nhiều đặc tính: ý tứ dồi dào, tuy lời văn thưa thớt, điều nhận-xét được chứng-dẫn phân-minh, câu nhạt nhẽo thì tô nên vẻ đậm-đà, mà chiều thô-lậu cũng đổi ra màu thanh-nhã.
Đó là kết quả của một phương-pháp đặc-biệt: tác-giả thường nhắc tới thơ-văn cũ hoặc sự-tích xưa. Thơ-văn ấy, sự-tích kia, gọi là ĐIỂN-CỐ, mà phép làm văn như thế, gọi là DỤNG ĐIỂN.
Cho nên muốn hiểu thấu thơ-văn cổ nước nhà, tất ta phải biết điển.
Gần đây, đã có những lời chú-thích ghi-chép ngay trong nhiều tập thơ-văn, hoặc biên soạn thành mấy quyển từ điển rất quí. Nhưng chúng tôi còn mong có thêm một BỘ ĐIỂN CỐ CHÍNH CỔ NHÂN BIÊN CHÉP, vừa kỹ vừa vui, dễ lôi cuốn cả những người không hay để ý đến thơ văn cổ.
Muốn đạt được mục đích ấy, chúng tôi trộm nghĩ: phải góp nhặt những truyện ngắn ly kỳ với thơ từ tuyệt tác, trong sách chữ hán mà nhà văn của ta hay dùng làm điển, đem dịch ra Nôm, câu truyện không thêm bớt, thơ từ theo nguyên điệu; những truyện ngắn ấy thường là bài chép sẵn sàng, lấy được nguyên vẹn, nhưng có khi là nhiều đoạn rải rác trích ra rồi ghép lại với nhau. Vả trên đầu mỗi truyện, có in những câu văn hay của nhiều tác giả đã dùng truyện ấy làm điển.
Như vậy, nhà sưu tầm có thể thấy được những chi tiết khá đầy đủ và so sánh được những cách dùng điển của nhiều tác giả khác nhau; người giải trí ham đọc truyện lạ thơ hay, nhớ được dễ dàng, rồi dần dần có thêm kiến thức để hiểu thơ văn cổ mà không ngờ rằng khi giải trí kia, chính là khi học tập.
Quan niệm về một bộ Điển cố như vậy, vào hồi 1941, chúng tôi có trình với gia tiên nghiêm, tác giả Bút hoa thi thảo, để xin thực hiện ngay. Nhưng sự phiên dịch mới bắt đầu thì dịch giả phút đà tạ thế.
Sau, chúng tôi đã góp sức với mấy nhà ưa chuộng thơ văn cổ để tiếp tục công việc: vừa xong được 80 điển theo thứ tự A B C thì cuộc chiến tranh làm cho phải bỏ dở, mà bản thảo cũng bị thất lạc.
Nay chúng tôi lại theo đường lối cũ để thu thập tài liệu được đến đâu, in ra đến đấy thành tập nhỏ, chờ khi trọn bộ mới lập thành mục lục tổng quát theo thứ tự A B C.
Vậy những bài sau đây của nhiều dịch giả, sẽ không xếp theo mục-loại nào, chỉ cốt cho dài-ngắn xen nhau, lối văn thay đổi, để các bạn thấy vui mà ham học.
Hà nội, tháng Mạnh đông, năm Quí tỵ 1953
PHAN THÊ ROANH
(Theo MẤY LỜI NÓI ĐẦU)