CÙNG HEADSPACE MANG THAI CHÁNH NIỆM là cuốn sách hướng dẫn cách bình tĩnh vượt qua những lo lắng trong quá trình thai sản. Với những bài tập hữu ích cho cả mẹ và bố, cuốn sách còn hướng dẫn phương pháp sống chánh niệm và tận dụng tối đa giai đoạn mang thai và những ngày đầu làm cha mẹ.
Khi chúng ta nhìn xuống “cái bụng lùm” hoặc có thể là đứa con mới chào đời của mình, thật khó để không băn khoăn về quá trình mang thai. Trong lúc chờ đợi phép màu của sự đồng sáng tạo này, chúng ta dần hiểu rằng cuộc đời đơn thuần là quá ngắn ngủi, quá quý giá để mắc kẹt trong vòng quay của những suy nghĩ tiêu cực hay những lời trách móc với người chúng ta yêu thương. Một số người có thể nghĩ rằng việc nhận thức về cái chết của chính bản thân thật thiếu lành mạnh. Điều này tức là chúng ta hoàn toàn hiểu sai về giáo lý. Nếu chúng ta đơn thuần chỉ “nghĩ” về sinh tử suốt cả ngày, có thể điều đó thật thiếu lành mạnh. Nhưng nếu chúng ta suy ngẫm sâu sắc về nó, cho phép những suy nghĩ rối rắm đến và đi, thì nhận thức này giải phóng chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ còn sống như thể cuộc đời này là hiển nhiên, để cho bản thân mình mắc kẹt trong những lời độc thoại cá nhân. Thay vào đó, chúng ta hiện diện, ở ngay đây, ngay bây giờ, sống với cảm giác chân thật của sự trân trọng và lòng biết ơn.
— “Chương 4: Bốn nền tảng cho con đường ở phía trước”, tr.68
Một cặp vợ chồng chánh niệm, có một sự bình tĩnh ngay lập tức, một rung động cụ thể toát lên rằng chúng-tôi-sẽ-tận-hưởng-điều-này; họ xuất hiện như một đội, cùng chung suy nghĩ, chia sẻ cùng một năng lượng tích cực. Sự chuẩn bị cho thai kỳ theo hướng chánh niệm phản ánh rõ ràng trong quá trình trở dạ và sinh con, và đó là một điều gây ấn tượng. Sự chuẩn bị thai kỳ thiếu chánh niệm cũng phản ánh trong phòng sinh, cho dù đó là một cặp đôi hay là bà mẹ đơn thân. Ngay khi tôi bước vào, sự lo lắng và bồn chồn hiện rõ; và còn có một sự rung động khác, rung động của năng lượng mọi-thứ-phải-như-thế-này, mà cảm giác hệt như đang chống lại Mẹ Thiên Nhiên, như thế họ đang quyết tâm nắm giữ lấy kỳ vọng của mình. Sự kháng cự mà bác sĩ Amersi đề cập đến là sự kìm kẹp căng chặt của chấp trước – bám chấp vào kết quả, hy vọng, kiểm soát. Nhưng chánh niệm nhắc nhở chúng ta với mỗi khoảnh khắc mới, chúng ta không thể kiểm soát tự nhiên, chúng ta là một phần của tự nhiên; chúng ta là tự nhiên. Ngay khi chúng ta cố gắng bức chế, chỉ đạo cách tự nhiên cần biểu đạt, hoặc phóng chiếu những ý tưởng tự tạo của bản thân về cách mọi thứ sẽ diễn ra, chúng ta đặt ra một mức độ kỳ vọng mà chỉ có thể dẫn đến thất vọng. Khi chúng ta buông tay, chấp trước này không còn nữa – chỉ còn lại khoảnh khắc hiện tại.
– Chương 12: “Trở dạ và sinh nở”, tr.217–218