"Con Đường Sáng Tạo" gồm có những bài mà nếu độc giả đọc kỹ ắt sẽ nhận ra chưa từng xuất hiện trong những chuyên thư trên trừ cuốn Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi của Rilke, lược bỏ những câu xã giao, rút gọn thành một bài in trong cuối tập Thought in Prose.
"Con Đường Sáng Tạo" gồm những tác giả mà nếu độc giả lưu tâm, hẳn sẽ nhận thấy họ không thuộc vào hàng ngũ những nghệ sỹ thông thường. Đó là những kẻ sáng tạo, những kẻ không coi nghệ thuật như một phương tiện giúp con người lẫn tránh mình, một cách giải khuây, nhưng như một con đường dẫn về chính mình, con đường cô đơn, con đường phiền não, khuynh hướng về bất hạnh mà cùng đích là giải thoát và giải thoát.
Ở đây, nghệ thuật không phải là một đám mây lơ lửng trên dòng đời, nó chính là dòng đời. Ở đây nghệ thuật không phải là một lối đào thoát khỏi thực tế, chính nó là cái neo gieo vào lòng thực tại. Một cây mọc càng cao, cành nhánh càng tự do trổ vào bầu trời xanh bát ngát bao nhiêu lại càng có gốc rễ cắm sâu vào lòng đất tối đen bấy nhiêu. Nghệ thuật phải cung cấp cho chúng ta những gốc rễ gân guốc ấy. Nghệ thuật phải giúp chúng ta bám chặt vào thực tại, nở hoa từ thực tại và giải thoát từ thực tại.
Tôi tin chắc rằng "Con Đường Sáng Tạo" sẽ khích lệ nhiều người, sẽ mang lại thích thú cho nhiều người hơn nữa. Nhưng như thế chưa đủ. Và quá thừa. Chỉ mong sao có chàng trẻ tuổi mà, nhờ nó thêm hăng hái dấn bước trên đường định mệnh, thêm can đảm trút bỏ hết mọi thứ hành lý, ra đi không có bất cứ một thứ gì đem theo ngoại trừ ý chí sáng tạo, lòng đam mê và ngạo nghễ như chàng Rimbaud tóc rối tung bay, áo quần tơi tả, túi rỗng nhưng hồn đầy, chất ngất vì ra đi là đủ rồi.
(Trích dẫn trong LỜI NÓI ĐẦU của Nguyễn Hữu Hiệu - Hoàng Hạc Lâu, 23 tháng 3 Canh Tuất)