So với các cuốn trước về các năm 1965, 1966, và 1967, cuốn này có những đặc điểm như sau:
Số việc ghi đã tăng theo số biến chuyển của thời cuộc, và sự đòi hỏi của một một số bạn đọc thuộc các giới nghiên cứu.
Người biên tập đã cố thỏa mãn phần nào, mỗi khi thấy việc đáng ghi và đủ những điều kiện xác định trong cuốn đầu (20 năm qua) khi việc có thể được phối kiểm vì đã được phổ biến do các cơ quan thông tin và báo chí quốc nội và quốc ngoại.
Về phương diện này, và trong năm 1968, hai lãnh vực đã được chú trọng đặc biệt, vì có ảnh hưởng lớn lao nhất trong giai đoạn hiện tại vào tình thế Việt Nam: quốc tế và quân sự.
Vấn đề Việt Nam đã thành một trong những mối quan tâm bậc nhất của hoàn cầu, và được theo dõi hàng ngày do các giới hữu trách về hòa bình thế giới. Ngược lại, mỗi sự thay đổi quan trọng trên chính trường quốc tế, đều có thể đưa lại sự khó khăn hay sự dễ dàng cho giải pháp mà chưa ai tìm được cho V.N. Ngoài ra, còn những vấn đề trọng đại chung cho nhân loại, mà sự tiến triển cần được đánh dấu.
Chiến sự thuộc giai đoạn chót, hoặc phỏng đoán là ở vào giai đoạn chót khi cuộc hòa đàm đã mở, có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định: bởi vậy, phải được ghi kỹ với nhiều chi tiết hơn.
Song ở đây, cũng như về các năm trước, người biên tập chỉ có thể theo đúng các tài liệu chánh thức của các cơ quan hữu quyền; các tài liệu đó vượt ra ngoài sự ước lượng hoặc kiểm điểm cá nhân.
Dù sao, số chiến sự quá nhiều, mỗi ngày thường có đến vài chục cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn, nên chỉ xin ghi những hoạt động đáng kể, nghĩa là khi số thiệt hại về nhân mạng được công bố từ 20 người trở lên, hoặc khi số kết quả khá nhiều, căn cứ trên số võ khí quân nhu thâu đoạt... Tiêu chuẩn này dĩ nhiên chỉ có tính cách đơn giản, bất đắc dĩ phải theo để hạn chế số việc cần ghi.
Phần Trích Yếu có thêm mục Hành Chánh, ngoài các mục Chánh Trị, Quân Sự, Kinh Tế Tài Chánh, Văn Hóa Xã Hội và Quốc Tế, Mục An Ninh không còn, vì các vụ phá hoại và khủng bố, nhất là trong các cuộc tấn công thành thị, rất khó phân biệt với những hoạt động quân sự của đối phương.
Các phụ lục liên hệ về các mục, đã được soạn để độc giả tiện tra cứu những việc cần tìm kiếm ở từng lãnh vực, nên chỉ được biên chú rất vắn tắt.
Sau hết, để bao quát tình hình trong ngoài, xin lưu ý bạn đọc tới những việc sau đây, mà chúng tôi coi là quan trọng nhất.
Về nội tình: các vụ tổng công kích đợt một và đợt hai; - công cuộc cứu trợ và tái thiết; - sự thiết lập các cơ cấu quốc gia theo Hiến pháp; - các cụ pháo kích; - các cuộc hành quân phản công liên tiếp của quân lực VNCH; - quyết định ngưng oanh tạc trên phần lớn rồi tất cả Bắc Việt; - giai đoạn đầu của cuộc hòa đàm và hội nghị Ba Lê.
Về quốc tế: tình hình rối ren tại Hoa Kỳ và vụ bầu cử Tổng Thống; - phong trào cải cách ở Tiệp Khắc và những phản ứng của Nga Sô cùng khối Cộng Sản; - phong trào biểu tình của sinh viên nhiều nước, nhất là ở Pháp; - tình hình căng thẳng tại Trung Đông; - cuộc khủng hoảng tiền tệ và tình hình thị trường vàng; - sự tiến bộ mau lẹ của khoa học trong cuộc thám hiểm không gian và những vụ giải phẫu để ghép các bộ phận vào cơ thể; - sự hạn chế sinh sản, lập trường của Đức Giáo Hoàng và các phản ứng trên thế giới.
Trích Tựa
Sài Gòn, ngày 3-1-1969
LÃNG NHÂN